Mỹ khen khi Anh trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi nước Anh hậu Brexit khi London lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng chống lại Nga.

Cái vỗ tay đáng ngờ của Mỹ

Ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi nước Anh hậu Brexit về việc lần đầu tiên London áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng nước này. Ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tìm kiếm thêm các đồng minh để tận dụng công cụ “tùy ý” của mình.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại Giao Anh cho biết nước này sẽ áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào 25 công dân Nga được cho là đã có những hành vi sai trái và gây ra cái chết của luật sư Sergei Magnitsky và 20 công dân Saudi Arabia có dính líu đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Phát biểu tại Hạ Viện, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Lệnh trừng phạt đầu tiên sẽ bao gồm những cá nhân tham gia vào tra tấn và giết hại luật sư Sergei Magnitsky, người đã tiết lộ vụ lừa đảo thuế lớn nhất trong lịch sử Nga".

Lệnh trừng phạt này bao gồm việc cấm nhập cảnh vào Anh cũng như phong tỏa các tài sản của những người này nếu có trên lãnh thổ Anh. Trước đây, London chỉ tiếp bước các cơ chế trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Phản ứng trước tuyên bố của Anh, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại London nhấn mạnh Moscow duy trì quyền đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Anh tuyên bố nhằm vào các công dân Nga, trong đó có điều tra viên nhà nước hàng đầu của Nga, ông Alexander Bastrykin.

Người phát ngôn Đại sứ quán Nga nói: "Việc các đại diện cấp cao của Tổng công tố và Ủy ban Điều tra của Liên bang Nga cũng như các thẩm phán nằm trong danh sách trừng phạt này là sự xúc phạm lớn".

Ảo vọng của nước Anh?

Với việc lần đầu tiên đơn phương áp đặt trừng phạt một quốc gia khác, Anh đang tỏ rõ quyết tâm “chấn hưng” thời kỳ hậu Brexit. Tuy nhiên, khả năng thành công của Anh để tự khẳng định mình trên trường quốc tế từ lâu đã bị đặt dấu hỏi hoài nghi.

Tờ New York Times của Mỹ bình luận, trong nhiều thế kỷ, Anh đã đi đầu trong nhiều vấn đề và giờ đây, vương quốc này lại đang “sôi sục”. Thế nhưng, việc Anh rời khỏi EU được cho là có thể khiến Vương quốc Anh vỡ vụn, và nhiều khả năng không thể tồn tại thêm một thập kỷ, chứ đừng nói đến một thiên nhiên kỷ.

Anh bộc lộ toan tính "phục hưng" thời kỳ hậu Brexit

Tờ báo Mỹ dẫn đánh giá của đa số các nhà kinh tế cho rằng Brexit sẽ ảnh hưởng đến cả thương mại và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh. Một nghiên cứu ước tính Anh có thể trở nên nghèo nàn hơn 3% đơn giản là bởi việc lập kế hoạch cho Brexit. Một nghiên cứu khác đưa ra sự suy giảm dài hạn ở mức 3,5%; một nghiên cứu khác lại ước tính sụt giảm 6% trong trung hạn.

Theo tạp chí The Economist, kế hoạch Brexit của Thủ tướng Boris Johnson thậm chí còn tồi tệ cho nền kinh tế Anh hơn là kế hoạch của người tiền nhiệm Theresa May. Brexit của ông Johnson sẽ để Bắc Ireland hòa nhập với Cộng hòa Ireland nhiều hơn so với phần còn lại của Anh. Và khi tôn giáo trở nên ít quan trọng hơn đối với hai bên biên giới, áp lực cho sự thống nhất Ireland sẽ tăng lên. New York Times dẫn kết quả một cuộc thăm dò cho thấy phần đông người dân Bắc Ireland ủng hộ việc rời khỏi Anh và sáp nhập với Ireland.

Ông Jonathan Powell, trợ lý cựu Thủ tướng Tony Blair đánh giá: “Nghịch lý thay, ông Johnson và Brexit có lẽ đã thực hiện được nhiều điều phục vụ cho một Ireland thống nhất hơn những gì Cộng hòa Ireland từng làm”.

Ở Scotland cũng vậy, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một số lượng lớn người dân ủng hộ độc lập, và đã có những lời kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về độc lập. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói: “Tương lai tốt nhất cho Scotland là một quốc gia châu Âu độc lập, bình đẳng. Đây là một lựa chọn mà tôi quyết tâm đảm bảo sẽ được trao cho người dân Scotland”.

Cắt đứt mối quan hệ với EU có thể khiến Anh chia rẽ hơn, nghèo hơn và thất thế hơn trên trường quốc tế

Ngay cả xứ Wales dường như cũng cảm thấy chán nản. Một cuộc khảo sát cho thấy 41% người dân xứ Wales sẽ ủng hộ việc tách khỏi Anh nếu họ có thể ở lại EU.

New York Times bình luận rằng, một Đại Anh (Anh, Scoland, Wales) bị rạn nứt sẽ không còn tuyệt vời nữa. Cuối cùng, tất cả những gì còn lại chỉ có thể là nước Anh nhỏ bé.

Trong khi đó, mạng NBC News cũng từng mỉa mai rằng, "cuốn tiểu thuyết" Brexit cơ bản là câu chuyện về việc Anh không hiểu được vị trí của mình trong một thế giới hiện đại. Trong lịch sử hiện đại, người Anh tự xác định được bản thân mình- là những người theo chủ nghĩa đế quốc, người chiến thắng các cuộc chiến, người tạo ra nhiều loại hình văn hóa độc đáo- bằng các mối quan hệ của mình với phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng ngày nay, người Anh không còn có thể nhất trí được với nhau về việc mối quan hệ đó là gì, họ không có quan điểm chung về việc họ là ai hay là cái gì.

NBC News cho rằng, lịch sử đế quốc Anh vẫn hiện hữu trong tư tưởng của một số người ủng hộ Brexit như những tàn tích tồi tệ nhất. Lời bình luận về nước Anh cách đây hơn một nửa thế kỷ của Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson, rằng nước Anh "đã mất đi một đế quốc" và "vẫn chưa tìm được một vai trò cho mình", vẫn còn đúng tới tận ngày nay.

Nhiều người trong số những người ủng hộ Anh rời EU dường như không thể vượt qua cái bóng huy hoàng của quá khứ và cho rằng cắt đứt quan hệ với châu Âu, bằng cách nào đó, có thể khôi phục lại kỷ nguyên vàng mà họ từng sống.

Tổng thống Mỹ D. Trump (phải) và Thủ tướng Anh B. Johnson

NBC News cho rằng, trong một thế giới liên kết với nhau, nơi sự hợp tác có thể mang lại nhiều lợi ích, thì một số người ở Anh lại muốn đối đầu, tin rằng quá khứ của Anh cho thấy Anh đủ sức mạnh để làm điều đó.

Tờ Sunday Times ủng hộ Brexit hồi năm ngoái từng viết: "Một người mà trong ký ức của những người còn sống từng cai trị 1/4 diện tích đất của thế giới và 1/5 dân số thế giới chắc chắn đủ khả năng để tự điều hành mà không cần tới sự giúp đỡ của Brussels".

Những người ủng hộ Brexit cũng nhắc đến Thế chiến II với vai trò của Anh trong chiến thắng trước Đức quốc xã là lý do tại sao Anh nên tự tin rằng mình có thể đứng độc lập. Thế nhưng những người phản bác cho rằng Anh đúng là đã ở bên thắng cuộc trong Thế chiến II, nhưng khi đó Anh là một phần của một liên minh chiến thắng. Thật khó có thể tưởng tượng Anh có thể giành chiến thắng mà không có Mỹ hay Liên Xô.

Theo NBC News, những người từng chứng kiến sự chuyển biến xã hội và chính trị ở nhiều nơi khác trên thế giới đều nhận thấy rằng Anh đang bước vào một giai đoạn bất ổn kéo dài, do các bên bị chia rẽ sâu sắc mà không có một quan điểm chung để tập hợp được mọi người.

Lời khuyên của cố Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson với một quan chức Anh được NBC News dẫn lại: "Nước Anh phải học cách sống trong thế giới như đúng bản chất của thế giới đó". Hiện có không ít ý kiến cho rằng, thay vì hợp tác với một EU đa dạng, Anh có thể sẽ trở nên ngày càng lệ thuộc vào một nước Mỹ xa xôi ở bên kia Đại Tây Dương.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-khen-khi-anh-trung-phat-nga-3410057/