Mỹ khai trương Đại sứ quán ở Jerusalem: 'Thêm lửa' xung đột Israel - Palestine

Với các nhà thờ lịch sử, nhà thờ Hồi giáo và đền thờ giáo phái, Jerusalem là thành phố quen thuộc với sự xung đột và căng thẳng. Nhưng giờ đây, nó có khả năng bắt lửa nguy hiểm cho một Trung Đông chìm trong nhiều thế kỷ xung đột, khi Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel đến đây.

Thảm hoa được trồng theo hình quốc kỳ Mỹ tại khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: AP

Hôm nay (14-5), Mỹ chính thức khai trương đại sứ quán tại Israel ở thành phố đang tranh chấp Jerusalem, động thái làm vui lòng đồng minh Israel nhưng chắc chắn sẽ chọc giận Palestine và cả thế giới.

Shimon Aviv, một người làm vườn Israel 45 tuổi sống gần tòa nhà đại sứ quán này, và đang trồng hoa bên ngoài để chuẩn bị cho lễ khai trương cho biết, ông rất hân hoan chào đón sự kiện này. “Việc di dời đại sứ quán nên diễn ra sớm hơn, nhưng muộn vẫn còn hơn không”, ông này nói và nhấn mạnh, “tôi hy vọng nhiều nhà lãnh đạo sẽ làm theo quyết định của Tổng thống Trump”. Trong khi đó, Khader Yousef, một người Palestine sống tại Bethlehem khẳng định, “không người Palestine nào chấp nhận việc này”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không dự lễ khai trương này mà chỉ phát biểu qua video trước 800 quan khách. Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Israel. Phái đoàn cũng bao gồm con gái của Tổng thống Trump là bà Ivanka Trump cùng chồng Jared Kushner, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Tâm chấn địa chính trị

Với các nhà thờ lịch sử, nhà thờ Hồi giáo và đền thờ giáo phái, Jerusalem là một thành phố quen thuộc với sự xung đột và căng thẳng. Nhưng giờ đây, nó có khả năng bắt lửa nguy hiểm cho một Trung Đông chìm trong nhiều thế kỷ xung đột, khi Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel đến đây.

Tại thời điểm hiện nay, tòa nhà khiêm tốn, bị “nhét” vào một ngọn đồi cách phía nam của thành phố cổ khoảng hơn 1,5km về phía nam, trở thành tâm chấn của một “trận địa chấn” chính trị và ngoại giao nguy hiểm. Tòa nhà nằm trong một khu phố yên tĩnh, được bao quanh bởi một cánh đồng nhỏ, nhà cửa, và Khách sạn Diplomat, trước đây là trung tâm chăm sóc người cao tuổi cho những người nhập cư Nga. Trong 8 năm qua, tòa nhà này được chuyển thành lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, nơi du khách đến xin visa và gia hạn hộ chiếu. Và hôm nay (14-5), trong một buổi lễ quan trọng, tòa nhà sẽ chính thức trở thành đại sứ quán Mỹ tại Israel nhằm hiện thực hóa cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Hòa bình càng xa vời

Hồi cuối năm 2017, bất chấp mọi cảnh báo, Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ thủ đô Tel Aviv đến Jerusalem. Tuyên bố này làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt và vấp phải sự chỉ trích của Palestine và nhiều quốc gia trên thế giới, do Jerusalem vẫn là trung tâm xung đột giữa Palestine và Israel. Các cuộc biểu tình bùng nổ trên khắp Trung Đông, với nhiều cuộc biểu tình nhắm vào các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài. Quyết định này của ông Trump đã lật đổ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ bởi Jerusalem được coi là vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel-Palestine. Những diễn biến này cũng đã làm suy yếu vai trò trung gian của Washington trong tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine. Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cho tới nay, ngoài Mỹ, vẫn chưa có quốc gia nào công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Ông Trump cũng đã từng hứa sẽ là nhà lãnh đạo đóng dấu “thỏa thuận cuối cùng” để mang lại hòa bình lâu dài cho Israel và Palestine. Nhưng hòa bình Trung Đông, giờ đây, có vẻ càng xa vời hơn bao giờ hết.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_186232_my-khai-truong-dai-su-quan-o-jerusalem-them-lua-xung-dot-israel-palestine.aspx