Mỹ kêu gọi đồng minh 'hỗ trợ' để tập trung xây bức tường biên giới

Mỹ đang kêu gọi các quốc gia đồng minh cân nhắc việc tài trợ cho các dự án quân sự của Mỹ ở các nước này sau khi rút ngân sách để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Lầu Năm Góc đang hoãn các dự án của Bộ Quốc phòng ở cả Mỹ và châu Âu để tập trung tiền đổ vào dự án bức tường biên giới của Mỹ. Ông cho biết, một phần của thông điệp mang tới Anh và Pháp sẽ là 'Hãy nhìn xem, nếu bạn thực sự lo lắng về các vấn đề cấp thiết thì bạn hãy nên tìm cách chia sẻ việc trang trải những dự án quân sự cùng với Mỹ".

Theo kế hoạch, Lầu Năm Góc hoãn rót tiền cho các dự án lớn ở cả Mỹ và châu Âu để dồn tiền đầu tư cho bức tường biên giới theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các dự án dự kiến sẽ bị trì hoãn bao gồm trường học và trung tâm chăm sóc ban ngày cho các gia đình quân nhân Mỹ, 21,6 triệu USD cho các cơ sở khai thác cảng ở Tây Ban Nha, 59 triệu USD cho kho lưu trữ đạn dược ở Slovakia, các trường học cho con của quân nhân ở Đức và Vương quốc Anh...

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ đề nghị các đồng minh chia sẻ chi phí quốc phòng. Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Nhà Trắng đang lên kế hoạch yêu cầu Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí bất kỳ quốc gia nào có lính Mỹ đồn trú phải trả “cost plus 50” (chi phí cộng thêm 50%) – tức là 150% chi phí để duy trì sự đồn đóng của lính Mỹ tại khu vực, trong đó phần lớn dùng để trả lương cho binh sĩ.

Trong đó, Đức và Nhật Bản phải thanh toán cho Washington toàn bộ chi phí triển khai quân, cộng thêm khoản tiền hoa hồng 50% hoặc nhiều hơn để bồi dưỡng cho việc được Mỹ bảo vệ về mặt quân sự. Mặc dù dưới sức ép của Tổng thống Trump, các nước đồng minh đã gia tăng thêm hàng tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tuy nhiên ông vẫn chưa hài lòng.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các đồng minh của Mỹ tại Châu Á và Châu Âu vốn hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với họ sẽ lên tiếng phản đối, đồng thời thoát ly dần khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ và phát triển kho vũ khí của riêng mình.

Theo chuyên gia nghiên cứu David Ochmanek thuộc Viện Rand Corporation, việc trì hoãn các dự án của Lầu Năm Góc ở châu Âu sẽ khiến các đồng minh của Mỹ cho rằng, các lợi ích của châu Âu đã bị đặt lên trên lợi ích của Mỹ. Trong một cuộc họp tại Brussel, Bỉ thời gian gần đây, đã có nhiều đối tác tại EU và NATO đã bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của Mỹ trong việc hợp tác quân sự.

"Có rất nhiều quốc gia sẽ nói rằng Mỹ đang hành động một cách sai lầm. Tại sao họ sẽ phải chi trả chi chi phí cho các dự án đó khi điều này cũng góp phần bảo vệ lợi ích tại các khu vực chiến lược. Nếu xảy ra tranh cãi, không loại trừ khả năng việc hợp tác sẽ chấm dứt trong tương lai", chuyên gia này cho biết.

Các quốc gia tại EU cũng có thể làm điều tương tự để phát triển hệ thống phòng thủ của riêng mình. Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã ký một thỏa thuận tại Triển lãm Hàng không Paris, trong đó xác định phương thức hợp tác giữa ba nước trong dự án bao gồm hoạt động phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới và phát triển hệ thống tác chiến trên không của châu Âu.

Đây có thể coi là bước khởi đầu để các quốc gia đồng minh của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào quân sự Mỹ.

Mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, có thể thấy, việc rút chi phí dành cho các dự án quân sự của Mỹ được đánh giá sẽ mang lại nhiều rủi ro cho quốc gia này trong bối cảnh Nga, Trung Quốc đều đang trỗi dậy mạnh mẽ, cũng như sự nổi lên của một số cường quốc hạt nhân như Triều Tiên và Iran.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/my-keu-goi-dong-minh-ho-tro-de-tap-trung-xay-buc-tuong-bien-gioi-157323.html