Mỹ kêu gọi đồng minh châu Âu 'tiếp nhận phần tử IS'

Tổng thống Donald Trump mới đây đã kêu gọi các đồng minh châu Âu tiếp nhận lại những công dân của họ từng tham gia các nhóm phiến quân và bị bắt giữ ở Syria. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang mất dần phần lãnh thổ cuối cùng mà chúng chiếm đóng.

Lực lượng người Kurd đang chiến đấu chống IS trên lãnh thổ Syria. (Nguồn: Reuters).

Lực lượng người Kurd đang chiến đấu chống IS trên lãnh thổ Syria. (Nguồn: Reuters).

Sau nhiều năm chiến đấu chống IS, giờ đây các lực lượng dân chủ Syria người Kurd (SDF) đang giam giữ hàng trăm tay súng nước ngoài bị cáo buộc là thuộc IS, cùng vợ và con cái của những kẻ này. SDF đã liên tiếp kêu gọi các nước sở tại tiếp nhận lại số tù binh này, nhưng các quốc gia đó vẫn chần chừ.

Vấn đề trên hiện nay càng trở nên cấp thiết hơn bởi nhiều nước quan ngại về khoảng trống an ninh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút binh sỹ Mỹ khỏi Syria vào hồi tháng 12/2018.

“Mỹ đang đề nghị Anh, Pháp, Đức và nhiều đồng minh châu Âu khác tiếp nhận hơn 800 chiến binh IS mà chúng tôi bắt giữ được ở Syria, và mang chúng ra trước tòa án xét xử”- Tổng thống Trump viết trên Twitter - “Nhà nước Caliphate chuẩn bị sụp đổ. Việc trả tự do cho những kẻ này không phải lựa chọn tốt”.

Giải pháp của EU

Dòng bình luận của ông Trump đã lập tức nhận được phản ứng của Paris, Brussels và Berlin trong hôm 18/2. “Ở Syria, chính người Kurd mới giam giữ họ (chiến binh là công dân Pháp) và chúng tôi tự tin rằng họ có đủ khả năng để tiếp tục giam giữ họ”- Bộ trưởng Nội vụ Pháp Laurent Nunez nói trên kênh BFM - “Nếu những kẻ này trở về Pháp, chúng sẽ bị xét xử và bị tống giam”.

Pháp - một nước thuộc liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu - trong tháng này đã bắt đầu mở cửa tiếp nhận lại công dân của họ. Hãng AFP dẫn một nguồn tin cho hay, khoảng 150 công dân Pháp - trong đó có 90 trẻ em - có thể được đưa từ Syria về Pháp, nhưng chính quyền nước này vẫn chưa xác nhận kế hoạch này.

Ở Bỉ, Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens lên tiếng kêu gọi đưa ra một “giải pháp chung của châu Âu” để giải quyết vấn đề chiến binh nước ngoài. “Chúng ta có công dân là những bà mẹ và trẻ nhỏ ở miền Bắc Syria, nhưng cũng có nhiều kẻ là chiến binh”- ông Geens nói trên kênh truyền hình VRT.

Ở Đức, các nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này nói rằng “Chính phủ liên bang đang cân nhắc các lựa chọn để cho phép công dân Đức rời khỏi Syria, đặc biệt là đối với các trường hợp mang tính nhân đạo”.

Có hàng nghìn người dân đã thoát khỏi khu vực có tên là “túi Baghouz” trong những tuần gần đây - nơi mà cuộc chiến chống IS đang đến giai đoạn nước rút - nhưng vẫn còn hàng trăm thường dân bị mắc kẹt bên trong. Theo SDF, trong suốt 3 ngày vừa qua, không có một người dân nào thoát ra được khỏi khu vực này.

Lá chắn sống

Người phát ngôn SDF Mustefa Bali cho hay, IS đang ngăn chặn các tuyến đường ra khỏi sào huyệt cuối cùng của chúng, khiến người dân không thể thoát ra. “IS đã phong tỏa các tuyến đường, có tới 2.000 thường dân vẫn bị mắc kẹt bên trong”. Liên minh do Mỹ dẫn đầu thì cho hay, IS đang sử dụng phụ nữ và trẻ em để làm “lá chắn sống” cho chúng.

“Những người dân thoát được kể lại rằng, IS sử dụng họ như lá chắn sống, giết hại thường dân vô tội để răn đe những người khác, không cho họ cơ hội thoát khỏi đó”- người phát ngôn lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria, Sean Ryan, cho hay.

Trong phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Trump ám chỉ đến việc “Nhà nước Caliphate của IS có thể bị xóa sổ” trong vòng 24 giờ, tuy nhiên một thủ lĩnh của SDF sau đó phản bác, cho rằng sẽ còn phải mất nhiều ngày nữa mới có thể tiêu diệt hoàn toàn IS ở “túi Baghouz”.

Ngoài khu vực Baghouz, IS vẫn còn hàng nghìn chiến binh và các chi nhánh ngầm trải dọc một số quốc gia. Ở Syria, chúng duy trì sự hiện diện ở khu vực sa mạc Badia rộng lớn, và tuyên bố nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra ở vùng lãnh thổ mà SDF kiểm soát.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/my-keu-goi-dong-minh-chau-au-tiep-nhan-phan-tu-is-tintuc430014