Mỹ: Kẻ thù ác liệt nhất của Facebook là ai?

Facebook nên sợ ai nhất khi công ty này đang đối phó với một loạt các vụ bê bối về việc xử lý dữ liệu người dùng và vai trò của nó trong việc truyền bá tin tức giả mạo? Có thể là các chính trị gia Mỹ? Cũng có thể là các nhà vận động bảo mật của Đức và những giám sát viên của Liên minh châu Âu (EU)? Bài viết sau đây của Rory Cellan-Jones - phóng viên công nghệ đài BBC News đăng ngày 27/11.

Tất cả đều không đúng! Người mà tôi muốn nói đến là Damian Collins - đại biểu quốc hội vùng Folkestone and Hythe của Anh.

Kẻ thù ác liệt nhất của Facebook

Là chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS), ông Collins đã biến những gì khởi đầu là một cuộc điều tra tin tức giả mạo khá hạn chế và không tập trung, thành một cuộc điều tra pháp lý về hành vi của Facebook. Chính DCMS đã cung cấp tất cả các loại tài liệu liên quan đến vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, tạo điều kiện cho các dân biểu Christopher Wylie và Brittany Kaiser lên tiếng tố giác.

Scandal gây sốc này buộc người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg phải xuất hiện trước DCMS để giải thích.

Ai là kẻ thù ác liệt nhất của Facebook? (Ảnh: Getty Images/Reuters)

Cuối tuần này, ông Collins cho thấy đã chuẩn bị sẵn sàng để đi xa hơn trong việc đối phó với một công ty mà theo ông đã tỏ thái độ cao ngạo và khinh thường Quốc hội Vương quốc Anh. Ông ra lệnh cho lực lượng chấp pháp serjeant-at-arms của Hạ viện Anh nắm tịch thu tài liệu từ một doanh nhân Mỹ tham gia vào một vụ tranh chấp pháp lý với Facebook.

Theo AFP, hồ sơ vụ án này bắt đầu từ năm 2015 và liên quan đến nhà viết lập trình của công ty Six4Three – vốn đứng sau một ứng dụng được sử dụng để làm nổi bật hình ảnh của phụ nữ trong bộ bikini. Six4Three tức giận về những thay đổi trong quy tắc của Facebook, đã hạn chế quyền truy cập dữ liệu người dùng của công ty và các tài liệu mà Facebook cung cấp theo thỏa thuận cung cấp thông tin.

Chúng ta không biết tài liệu này có những gì - tòa án Mỹ đã ra lệnh niêm phong tài liệu để bảo mật thông tin trong khi vụ án đang tiếp diễn. Nhưng ông Collins dường như tin rằng những tài liệu này sẽ chứng minh là có liên quan đến yêu cầu của ủy ban DCMS về cách một nhà viết lập trình khác - Tiến sĩ Aleksandr Kogan, được phép truy cập vào dữ liệu ông đã trao cho Cambridge Analytica. Và ông đang xét xem có nên công bố những dữ liệu này hay không.

Đối lại, lãnh đạo Facebook nói rằng trước hết vụ kiện của Six4Three không có căn bản pháp lý, và thứ hai việc Quốc hội Anh công bố tài liệu bị niêm phong bởi các tòa án Hoa Kỳ là hành động vội vàng và sai.

Ông Damian Collins (trái) đã nhiều lần yêu cầu ông Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội vương quốc Anh (Ảnh: Getty Images)

Trong một câu trả lời thẳng thừng với Richard Allan - Giám đốc chính sách công cộng châu Âu của Facebook, ông Collins chỉ ra rằng "là một thành viên của Quốc hội, ông Allan nên quen thuộc với quyền hạn yêu cầu chuẩn bị tài liệu và công bố chúng với sự bảo vệ đặc quyền của Quốc hội”.

Các thành viên của DCMS có vẻ tự tin vào quyền hạn của mình và vào chiều thứ Hai 26/11 (giờ London), Ủy ban DCMS có cuộc gặp riêng để xét việc công bố các tài liệu. Hôm thứ Ba (27/11), DCMS tổ chức một buổi điều trần công khai, đến lúc đó, ông Richard Allan của Facebook sẽ là một trong những nhân chứng và có thể phải đối mặt với việc kiểm tra chéo về thông tin mà hệ thống pháp luật của Mỹ nói sẽ vẫn là riêng tư.

Có phải là ông Collins đã vượt qua quyền hạn lần này? Ông đã thách thức các tòa án Mỹ, sử dụng các thủ tục phức tạp không được sử dụng trong lịch sử hiện đại và tham gia vào một vụ kiện mà nguyên đơn dường như đang tranh luận rằng Facebook quá nghiêm ngặt về việc sử dụng dữ liệu, chắc chắn là hơi mạo hiểm.

Nhưng đừng ai đánh giá thấp quyết tâm của một thành viên Quốc hội trong việc chứng minh với một công ty truyền thông xã hội toàn cầu khổng lồ rằng nó không thể đứng trên luật pháp địa phương, cụ thể là Anh.

Facebook đối mặt với khoản tiền phạt 500.000 bảng Anh

Cơ quan Giám sát bảo vệ dữ liệu của Anh có ý định phạt Facebook 500.000 bảng Anh vì các vi phạm - mức phạt tối đa theo luật định. Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) cho biết, Facebook không đảm bảo được việc một công ty khác - Cambridge Analytica, xóa dữ liệu của người dùng. ICO cũng sẽ đưa SCL Elections - công ty mẹ của Cambridge Analytica, ra tòa.

Những tiết lộ của ông Christopher Wylie đã giúp ICO điều tra vụ gây sốc này (Ảnh: AFP)

ICO cũng nêu lên quan ngại về việc các đảng phái chính trị mua thông tin cá nhân từ "dịch vụ môi giới dữ liệu".

Về phía lãnh đạo Facebook, họ cho biết sẽ sớm trả lời các vấn đề này. .

ICO cũng cho biết một công ty khác - Aggregate IQ, tham gia chiến dịch trưng cầu dân ý về Brexit - phải ngừng xử lý dữ liệu của công dân Anh. Động thái này được đưa ra 16 tháng sau khi ICO tiến hành điều tra việc các chiến dịch vận động tranh cử sử dụng dữ liệu cá nhân.

Trước đó, ông Wylie - cựu nhân viên Cambridge Analytica - công ty tư vấn chính trị đóng tại London, hé lộ rằng công ty này dùng trái phép dữ liệu cá nhân được thu thập từ hàng triệu người dùng Facebook. ICO phát giác Facebook vi phạm các quy tắc riêng của họ và không đảm bảo được việc Cambridge Analytica đã xóa dữ liệu cá nhân của người dùng.

Lãnh đạo Facebook có 28 ngày để quết định có kháng cáo hay không? (Ảnh: Getty Images)

Trong khi Cambridge Analytica khẳng định họ đã xóa sạch dữ liệu sau khi Facebook yêu cầu vào tháng 12/2015, ICO cho biết họ có bằng chứng rằng các bản sao dữ liệu được chia sẻ với các bên khác.

Ông Wylie nói: "Vài tháng trước, tôi đã báo cáo về Facebook và Cambridge Analytica cho chính quyền Anh. Cambridge Analytica, nhiều khả năng gồm cả ban Giám đốc, sẽ bị truy tố hình sự".

Với quyết tâm của ông Wylie, theo dư luận, vụ này sẽ còn lùm xùm trong tương lai vì chắc chắn lãnh đạo Facebook sẽ phản đòn.

Khánh Phương

(Theo AFP, BBC News)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/my-ke-thu-ac-liet-nhat-cua-facebook-la-ai-d72767.html