Mỹ, Iran và 'lá bài' dầu mỏ: Trò chơi nguy hiểm

Hiện nay, ngành công nghiệp dầu mỏ - một thời từng được coi như một lĩnh vực rất béo bở của Iran - đã dần trở thành một 'cuộc chơi' tay đôi giữa Washington và Tehran.

Dường như mong muốn kiểm soát các mỏ dầu khổng lồ ở Trung Đông của Mỹ được cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng với Iran hiện nay, khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Trong khi đó, Iran liên tục thị uy tại eo biển Hormuz, thực hiện một loạt các hoạt động quân sự phô trương sức mạnh như tập trận hay bắn thử tên lửa. Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển “động mạch quan trọng nhất” của hệ thống vận chuyển dầu quốc tế nếu Mỹ không xem lại hành động của chính mình.

Lời qua tiếng lại

Căng thẳng lên cao khi chính quyền Mỹ tìm cách cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống 0% để buộc nước này phải nhượng bộ hơn nữa về chương trình hạt nhân cũng như ngừng hỗ trợ các nhóm cực đoan hay phát triển tên lửa.

Hiện nay, ngành công nghiệp dầu mỏ đã dần trở thành một “cuộc chơi” tay đôi giữa Washington và Tehran.

Hiện nay, ngành công nghiệp dầu mỏ đã dần trở thành một “cuộc chơi” tay đôi giữa Washington và Tehran.

Tiếp đó, Washington cáo buộc Tehran gây hấn sau những căng thẳng gần đây liên quan đến các cuộc tấn công vào 6 tàu chở dầu nước ngoài trên vịnh Oman, ngay ngoài eo biển Hormuz. Cuộc khủng hoảng mới nhất diễn ra sau khi tàu Grace 1 của Iran bị bắt giữ ngoài khơi Gibraltar, mà phía Mỹ cho rằng Grace 1 đang chở dầu đến Syria.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố mọi động thái cho thấy Iran không khác gì kẻ phá bĩnh, cần phải “làm gì đó” để Tehran im lặng. Mỹ đã tham khảo ý kiến các đồng minh, sau đó đưa quân và trang thiết bị quân sự đến khu vực Hormuz nhạy cảm.

Trái lại, phía Tehran sẽ buộc “Mỹ cùng những người khác” phải chịu hậu quả nếu họ không được phép xuất khẩu dầu. Ngay lập tức, tranh cãi bùng nổ khi chính quyền Teheran bắn hạ một máy bay không người lái trinh sát của Mỹ thâm nhập không phận Iran.

Suýt nữa thì chiến tranh đã nổ ra vào khoảng cuối tháng 6-2019 khi mà Tổng thống Donald Trump đã dừng tay vào phút chót, quyết định chưa cho quân đội Mỹ tấn công vào một số mục tiêu của Iran.

Còn Iran càng trở nên cứng rắn sau đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz rất nhiều lần của Tổng thống Hassan Rouhani. Lời cảnh cáo này không mới, nhưng bởi vì vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nên eo biển này khiến Mỹ và Iran rơi vào vòng xoáy căng thẳng chưa thể chấm dứt.

Dù gia tăng áp lực lên eo biển Hormuz, thế nhưng Iran toan tính sẽ không điều động lực lượng hải quân để chiếm hữu đường thủy theo cách thông thường, mà sử dụng chiến lược “chống xâm nhập”. Trọng tâm của “chống xâm nhập” là sử dụng thủy lôi để phong tỏa Hormuz, biến eo biển này thành một khu vực không thể đi vào.

Sau đó, Tehran có thể sử dụng tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất để ngăn chặn hoạt động rà phá thủy lôi hoặc tấn công trực tiếp vào tàu chiến của đối phương hay tàu dân sự. Ở cấp độ cao hơn, Iran có thể tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực bằng tên lửa đạn đạo.

Tuy vậy, Tehran dường như đang chơi trò tâm lý, để tìm cách quản lý khủng hoảng buộc đối thủ phải nhường bước. Theo giới quan sát, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz thì đồng nghĩa với việc châm ngòi cho một cuộc chiến quân sự quy mô lớn chống lại chính Tehran.

Thậm chí, Iran có nguy cơ “tự chặt chân mình” khi đánh mất giao dịch dầu mỏ với các quốc gia khác vốn đang phải phụ thuộc vào nguồn dầu của Iran nhưng không chịu sự chi phối của Mỹ như Ấn Độ hay Trung Quốc. Vì vậy, Iran chỉ thực sự “động thủ” khi Mỹ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công nhằm thay đổi chế độ đối với Iran.

Lật tẩy chiêu trò

Mạnh mẽ ở Hormuz nhưng Tehran cũng rất cẩn trọng với cuộc chiến thông tin. Bởi lẽ, mọi thông số liên quan đến sản xuất, giá cả và xuất khẩu dầu mỏ của Iran chính là vũ khí có giá để Washington thao túng, nhằm tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt, cũng như tiến hành các cuộc chiến tạo sức ép tối đa buộc Iran phải đầu hàng.

Iran tuyên bố bắt giữ nhiều nghi can gián điệp dầu mỏ liên quan đến CIA.

Iran không dễ bắt nạt khi áp dụng hàng loạt biện pháp như tắt định vị GPS của tàu chở dầu, hay chuyển giao dầu từ tàu này sang tàu kia ngay giữa biển. Hệ thống thương mại dầu mỏ và an ninh được thắt chặt, khiến các hoạt động xâm nhập từ bên ngoài gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, Iran vẫn không thể thoát khỏi... gián điệp dầu mỏ. Tehran mới đây đã bắt giữ gần 20 nghi can người Iran bị cáo buộc làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Trước đó, Iran đã lần đầu tiên công bố đã triệt phá một mạng lưới gián điệp dầu mỏ online được cho là có liên hệ mật thiết với CIA và Cục tình báo Anh (MI6). Theo điều tra, các nghi can đang làm việc tại Mỹ và một số nước phương Tây có thể trả các lái buôn dầu Iran đến 1 triệu USD nhằm đổi lấy các tài khoản ngân hàng mà Bộ Dầu mỏ Iran sử dụng để giao dịch.

Nhiều ý kiến nhận định, cuộc chiến dầu mỏ Iran đã sớm trở thành trận địa của những gián điệp phương Tây, khi mà Tehran cho rằng 70% khách hàng trong giao dịch với Bộ Dầu mỏ Iran đều cung cấp thông tin giả.

Một số lái buôn dầu mỏ Iran kể rằng bị chính khách hàng thẩm vấn về lý lịch và quy trình bán dầu, hoặc nghi ngờ bị nghe lén cũng như theo dõi. Bộ dầu mỏ Iran từng truy nã một công dân châu Âu nghi ngờ thâu tóm các thông tin mật về giao dịch dầu mỏ trong nửa năm 2019 sau khi nhân vật này được xác định có liên quan đến CIA.

Như một đòn vạch trần Mỹ, Iran đã cho lên sóng những phim tài liệu miêu tả tường tận chuyện nằm vùng của gián điệp CIA ở Iran, cũng như thuật lại cách CIA chiêu mộ dân địa phương. Ngoài ra, Iran cũng tung ra bằng chứng được cho là cách tình báo phương Tây gửi thiết bị gián điệp cho nhân viên tại Iran thông qua các hình thức ngụy trang vô cùng tinh vi như đặt trong một khối bê tông.

Đầu tháng 9, tòa án Iran tuyên bố sẽ ra phán quyết án tử hình đối với nhiều đối tượng khả nghi trong đường dây gián điệp dầu mỏ. Tuy nhiên, Bộ tình báo Iran thừa nhận đã chiêu dụ một số gián điệp, và đào tạo lại để làm việc cho chính quyền Tehran.

Kịch bản tận thế

Nhà Trắng đã công khai bác bỏ các cáo buộc gián điệp dầu mỏ CIA của Tehran, nhưng thừa nhận sức hấp dẫn lớn từ ngành dầu mỏ ở quốc gia Trung Đông này. Rõ ràng, Washington đang nuôi tham vọng kiểm soát dầu Trung Đông, từ đó mới tiến hành các động thái nhằm “thuần phục” Iran, cũng như nhiều chiến dịch quân sự ở Trung Đông kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Mỹ còn rất tích cực tiếp cận các đối tác Trung Đông do lo ngại về cách hành xử của Iran trong khu vực, trong khi muốn tiếp tục vai trò giám sát với dòng chảy dầu mỏ ở Trung Đông.

Mỹ đã điều động tàu sân bay đến các căn cứ quân sự nhằm đối phó với kế hoạch đóng cửa eo biển Hormuz.

Về chiến lược, Mỹ hiện có tất cả 7 căn cứ quân sự trong vịnh Ba Tư, đặt tại Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain.

Để đối phó với nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz, các lực lượng thuộc Bộ chỉ huy trung ương Mỹ và hải quân, cùng với đội hình tàu sân bay, đã được điều động tới khu vực này, buộc Iran phải thay đổi kế hoạch hoặc can thiệp sớm trước khi đạt được tiến triển trong việc phong tỏa Hormuz. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh cũng cần phải lường đến chi phí “cắt cổ”, khi mà chỉ tính riêng phí rà phá thủy lôi đã hết gần 250 triệu USD, còn phí duy trì hoạt động các đội tàu sân bay trong một tuần ước tính 150 triệu USD.

Về phía Iran, ở bờ đông vịnh Ba Tư, Iran đặt không dưới 10 căn cứ không quân, hải quân và các trạm có trang bị tên lửa địa đối không.

Tiếp đó, Tehran đã ra lệnh cấm công bố các dữ liệu về dầu mỏ, đồng thời trở nên linh hoạt nhưng đầy mưu mô trong các giao dịch dầu. Các kế hoạch được chuẩn bị chi tiết, xác định rõ nguồn gốc khách hàng và vị trí giao hàng, thậm chí Bộ Dầu mỏ còn đề xuất liên tục thay đổi cách thức làm việc để tránh tai mắt gián điệp. Iran cực kỳ chú ý đến giai đoạn thanh toán khi đảm bảo các tài khoản nước ngoài được mở và đóng trong vài giờ đủ để giao dịch hoàn tất. Nhà buôn và khách mua bị giám sát 24/24, trong khi toàn bộ phương tiện liên lạc bị tịch thu.

Dù luôn trong trạng thái... sẵn sàng, nhưng cả phía Tehran lẫn Washington cùng khẳng định không muốn phải sử dụng đến sức mạnh quân sự.

Trong lúc Mỹ ngày càng siết chặt gọng kìm cấm vận, “lá bài” dầu mỏ trở thành trung tâm của một kịch bản “tận thế”, mà ở đó eo Hormuz có nguy cơ bị đóng cửa nhiều tháng và Mỹ - Iran tranh đấu quân sự ở vịnh Ba Tư. Khi ấy, giá dầu có thể tăng không kiểm soát, đạt đỉnh “điên rồ” 325 USD/thùng, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu...

Lê Nam - Mỹ Hoa

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/my-iran-va-la-bai-dau-mo-tro-choi-nguy-hiem-562148/