Mỹ - Iran và câu chuyện Gibraltar: Phép thử nhờ mập mờ

Cả trên thực tế lẫn trong khẩu chiến, căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ - Iran đều leo thang mức độ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran chớ có 'chơi với lửa' trong khi tổng thống Iran Hassan Rohani dọa sẽ biến vùng Vịnh thành 'biển máu' đối với Mỹ.

Mỹ - Iran và câu chuyện Gibralta: Phép thử nhờ mập mờ.

Trong khi đó, ở châu Âu, hải quân Anh đã bắt giữ, theo yêu cầu của Mỹ, con tầu chở dầu Grace 1 ở ngoài khơi Gibraltar và Iran đang đứng trước quyết định ngừng tuân thủ quy định trong thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran về khối lượng chất liệu phóng xạ và mức độ giàu chất liệu phóng xạ uranium. Tất cả những diễn biến ấy đều như dầu được đổ thêm vào ngọn lửa bất hòa hiện tại đang cháy lớn giữa Mỹ và Iran.

Không chỉ có như vậy. Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran đã dịch chuyển từ vùng Vịnh sang cả châu Âu và lôi kéo thêm cả một số bên khác vào cuộc.

Hai sự mập mờ

Vừa rồi, hải quân Anh bắt giữ con tầu chở dầu Grace 1 của Iran với lý do tầu này chở dầu của Iran tới một nơi lọc dầu ở Syria và như thế vi phạm những quy định chung của EU về trừng phạt Iran và Syria. Phía Mỹ hả hê trong khi EU cho rằng Anh hành động như thế là đúng. Chỉ có Tây Ban Nha là ngần ngừ, không phải vì liên quan đến Iran mà vì liên quan đến Gibraltar. Tây Ban Nha và Anh tranh chấp chủ quyền đối với Gibraltar.

Ở đây có hai sự mập mờ là con tầu chở dầu này của Iran thật nhưng dầu trên tầu được định vận chuyển đến đâu thì lại là điều chưa được xác định một cách khách quan mà mới chỉ được phía Mỹ, Anh và EU quả quyết là được vận chuyển đến Syria. Đấy lại là mấu chốt của toàn bộ vụ việc bởi từ đấy có thể thấy được rõ ràng thực chất ý đồ của Mỹ, Anh và EU với việc bắt giữ con tầu này. Kinh nghiệm thực tiễn lâu nay cho thấy không phải cái gì được Mỹ, Anh và EU quả quyết đều rồi sau này chứng tỏ là đúng với sự thật. Chỉ khi quả quyết như vậy, ba bên kia mới có thể hợp pháp hóa được hành động này theo luật pháp hiện hành của họ. Cái mập mờ này hiện có lợi cho họ, vì thế chắc chắn được họ chủ ý, duy trì và còn triệt để tận dụng.

Cái mập mờ thứ hai là con tầu chở dầu này ở đâu khi bị hải quân Anh bắt giữ. Phía Anh nói nó ở trong hải phận thuộc Gibraltar. Tây Ban Nha nói nó vẫn ở trong hải phận Tây Ban Nha. Định vị từ vệ tinh cho thấy con tầu này cũng còn rất có thể đang ở hải phận quốc tế. Việc làm sáng tỏ điều mập mờ này cũng có được ý nghĩa và giá trị về chính trị cũng như pháp lý quốc tế tương tự như việc làm sáng tỏ điều mập mờ đầu tiên.

Phía Iran cho đến nay chắc chắn đã có quá nhiều kinh nghiệm thực tế với việc đối phó những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nên sẽ không chủ quan tới mức để bị "hở sườn" cho phía kia gây hấn và làm tổn hại. Bởi vậy, nhiều khả năng con tầu chở dầu này đang ở vùng biển quốc tế khi bị hải quân Anh bắt giữ hoặc chắc chắn không phải vận chuyển đến Syria nếu nó đi vào vùng lãnh hải của Tây Ban Nha hoặc thuộc Gibraltar.

Ai tận dụng, ai chủ ý?

Xem ra, lời giải thích khả dĩ nhất cho vụ việc này là Mỹ và Anh đã chủ ý dựng tạo nên tình trạng mập mờ này và tận dụng nó để tiến hành phép thử mức độ và hình thức phản ứng của Iran cũng như tạo tiền lệ bắt giữ tầu thuyền của Iran ở những vùng biển quốc tế khác nữa, còn EU và Tây Ban Nha bị lôi kéo vào cuộc.

Phía Mỹ duy trì vùng Vịnh là tâm điểm của cuộc thư hùng với Iran nhưng muốn biến mọi nơi trên thế giới thành chiến địa đối địch với Iran và buộc tất cả các nước ở mọi nơi trên thế giới, bất kể là gì đối với Mỹ, phải tự lựa chọn theo cùng Mỹ hay không theo cùng Mỹ đối địch Iran. Lần này ở vùng ngoài khơi Gibraltar, Mỹ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này ở châu Âu.

Anh xưa nay vốn luôn như hình và bóng với Mỹ trong mọi chuyện chính trị an ninh châu lục, khu vực và thế giới. Sau khi ra khỏi EU, đảo quốc này càng cần mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Cho nên chiến lược của Anh bây giờ là tranh thủ Mỹ và sách lược của Anh bây giờ là "sẵn sàng cả cầm đèn chạy trước ô tô và bảo hoàng hơn vua". Đồng thời, hành động này của Anh còn phát đi thông điệp về phía EU và Tây Ban Nha là phía Anh bám giữ vào chủ quyền đối với Gibraltar, biến vùng mũi biển đá này thành một con chủ bài chiến lược đắc dụng cho Anh ở thời sau Brexit. Phía Anh dùng vụ việc này để xem được Mỹ ghi điểm cho đến đâu và EU cũng như Tây Ban Nha phản ứng như thế nào về chuyện chủ quyền đối với Gibraltar.

EU tận dụng vụ việc này để gia tăng áp lực đối với Iran trong khi Tây Ban Nha lại quan tâm hàng đầu tới khía cạnh thực thi quyền về chủ quyền và lãnh hải ở vùng Gibraltar để ngăn ngừa phía Anh lạm dụng và phía Mỹ lợi dụng sự lạm dụng của phía Anh. Tình trạng mập mờ này giúp cho EU và Tây Ban Nha mới chỉ cần thể hiện quan điểm thái độ trên nguyên tắc chứ chưa phải hành động cụ thể trên thực tế.

Vì những suy tính lợi ích riêng này mà tất cả những đối tác ấy đã tạo tiền lệ chính trị, pháp lý quốc tế và cả an ninh mới với hệ lụy có thể rất bất lợi và nguy hại cho Iran trong thời gian tới.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-iran-va-cau-chuyen-gibralta-phep-thu-nho-map-mo-97146.html