Mỹ - Iran tiếp tục leo thang căng thẳng

Iran hoan nghênh các nỗ lực của Pháp để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 (còn gọi là JCPOA) trong bối cảnh cuộc khẩu chiến với Mỹ tiếp tục leo thang đáng lo ngại.

Iran hoan nghênh các nỗ lực của Pháp để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 (còn gọi là JCPOA) trong bối cảnh cuộc khẩu chiến với Mỹ tiếp tục leo thang đáng lo ngại.

Việc Iran tuyên bố vượt qua giới hạn làm giàu uranium và đạt mức 4,5% khiến Mỹ phản ứng gay gắt. Ảnh: AFP

Việc Iran tuyên bố vượt qua giới hạn làm giàu uranium và đạt mức 4,5% khiến Mỹ phản ứng gay gắt. Ảnh: AFP

Trong tình thế bị “mắc kẹt” giữa căng thẳng Mỹ - Iran, các quốc gia Châu Âu đang nỗ lực đi theo con đường ngoại giao để xoa dịu vấn đề.

Pháp cùng với Anh và Đức, những quốc gia vẫn còn là một phần của thỏa thuận hạt nhân cùng với Nga và Trung Quốc, dự định triệu tập một cuộc họp của các bên ký kết trong bối cảnh “lo ngại sâu sắc” rằng, Iran sẽ không đáp ứng một số cam kết”. Các siêu cường Châu Âu bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân Iran cùng Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng thúc giục Tehran ngừng các hành động vi phạm trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng.

Pháp dẫn dắt nỗ lực cứu vãn JCPOA

Hiện nay, Pháp là quốc gia đi tiên phong trong nỗ lực cứu vãn JCPOA khi đã điều một nhà ngoại giao hàng đầu đến Tehran.

Ngày 10-7 tại thủ đô Tehran, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Emmanuel Bonne đã tổ chức hội đàm với quan chức nước chủ nhà nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và giảm bớt căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Theo AP, ông Bonne đã gặp tướng Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran để thảo luận về JCPOA và xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington. Ông Bonne cũng gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sau đó. Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhiệm vụ của ông Bonne là “tìm cách và khai thông bầu không khí thảo luận để tránh sự leo thang không kiểm soát hay thậm chí một rủi ro xung đột quân sự nguy hiểm.

Thực tế là EU cố gắng một cách tuyệt vọng nhưng nguy cơ khó cứu vãn được thỏa thuận – một nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt - là rất cao.

Những cảnh báo qua lại gay gắt

Diễn biến mới này được đánh giá là rất nguy hiểm kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Mọi việc đang đi theo chiều hướng không được chờ đợi khi hai nước liên tục có những cảnh báo gay gắt nhằm vào nhau.

Trong ngày 10-7, Iran cảnh báo các căn cứ của Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa. Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Hossein Nejat nêu rõ: “Các căn cứ của Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi... Tên lửa của chúng tôi sẽ phá hủy các tàu sân bay của họ nếu họ phạm sai lầm. Mỹ hoàn toàn nhận thức được hệ quả của một cuộc đối đầu quân sự với Iran”. Trong khi đó, Tư lệnh IRGC Hossein Salami cũng khẳng định, quân đội nước này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và lực lượng bộ binh của Iran hiện đã đủ mạnh để đánh bại kẻ thù trong bất kỳ cuộc chiến tranh trên bộ nào.

Động thái này của Iran rõ ràng là nhằm đáp trả cảnh báo cũng rất gay gắt trước đó của Mỹ. Trong một tuyên bố hôm 9-7 (giờ địa phương), Tổng thống Trump một lần nữa cảnh báo Iran về việc nước Cộng hòa Hồi giáo vượt quá giới hạn làm giàu uranium cho phép. Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Iran đang làm rất nhiều việc xấu... tốt hơn hết họ cần phải vô cùng thận trọng”. Cảnh báo của Tổng thống Trump, lặp lại những phát biểu tương tự mà ông đã đưa ra hồi cuối tuần qua tại bang New Jersey, được đưa ra 1 ngày sau khi các thanh sát viên LHQ xác nhận Tehran đã vượt quá giới hạn làm giàu uranium cho phép theo thỏa thuận JCPOA.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_209166_my-iran-tiep-tuc-leo-thang-cang-thang.aspx