Mỹ-Iran leo thang sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu Ả Rập Saudi: Trung đông căng thẳng, Châu Á lo lắng

Mỹ tin rằng cuộc tấn công làm tê liệt các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi vào cuối tuần trước do phía tây nam Iran gây ra, tuy nhiên Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự nhúng tay của Iran

Truyền hình nhà nước Ả Rập Saudi cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào 18/9 đưa ra bằng chứng về sự tham gia của Iran trong vụ tấn công nhà máy lọc dầu Aramco, bao gồm cả bằng chứng liên quan đến vũ khí của Iran đã sử dụng trong vụ tấn công.

Cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công. Nguồn: Reuters

Cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công. Nguồn: Reuters

Iran phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công này. Các đồng minh của Iran trong cuộc nội chiến Yemen, lực lượng Houthi, đã đứng ra nhận trách nhiệm, tuyên bố họ tấn công các nhà máy bằng máy bay không người lái, một số trong số đó được trang bị động cơ phản lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/9 cho biết, có vẻ như Iran - nơi có lịch sử lâu dài không hòa thuận với nước láng giềng Ả Rập Saudi - đứng đằng sau các cuộc tấn công.

Cùng ngày, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin giấu tên cho biết thông tin tình báo Mỹ được chia sẻ với Ả Rập Saudi cho rằng vụ tấn công hôm 14/9 được phát động từ Iran, với hơn 10 tên lửa và khoảng 20 máy bay không người lái được sử dụng. Dù vậy, một quan chức Ả Rập Saudi nói với tờ báo rằng báo cáo của Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự nhúng tay của Tehran trong vụ tấn công.

Chính phủ Iran cho đến giờ vẫn phủ nhận sự liên quan. Riêng Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói vụ tấn công trên do "người dân Yemen" tiến hành để đáp trả hành động của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu đang chống lại phong trào Houthi ở Yemen. Phong trào Houthi trước đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc.

Các quan chức của Iran, ở bất kỳ cấp độ nào, sẽ không bao giờ nói chuyện với các quan chức Mỹ ... đây là một phần trong chính sách của họ nhằm gây áp lực lên Iran, Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời ông.

Vụ tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Ả Rập Saudi lập tức khiến giá dầu tăng gần 15% hôm 16/9. Dù vậy, tình trạng tăng sốc này không còn trong ngày 17/9 giữa lúc thị trường chờ đợi những phản ứng tiếp theo đối với vụ tấn công. Giá vàng cũng có phản ứng tương tự.

Sự hỗn loạn của thị trường dầu đang khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Á, khu vực tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, đang chạy đua tìm kiếm nguồn thay thế giữa lúc có nỗi lo về nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… có thể chịu sức ép trong việc ủng hộ động thái trả đũa sắp tới của Mỹ, nếu có. Dù vậy, mục tiêu chính của họ sẽ là bảo đảm bất kỳ phản ứng nào cũng có chừng mực.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/bon-phuong/my-iran-leo-thang-sau-vu-tan-cong-nha-may-loc-dau-a-rap-saudi-trung-dong-cang-thang-chau-a-lo-lang-23877.html