Mỹ-Iran đang đẩy nhau đến 'miệng hố chiến tranh'?

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang từng bước bị đẩy lên cao trào, từ chỗ Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, thắt chặt các biện pháp trừng phạt, yêu cầu tất cả các nước ngừng mua dầu, điều quân tới Trung Đông, cho tới Tehran dọa ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei và các nhân vật cấp cao khác.

Mỹ điều tàu sân bay tới Trung Đông.

Mỹ điều tàu sân bay tới Trung Đông.

Ngay sau động thái trên Iran tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào nhà lãnh đạo tối cao Iran và Ngoại trưởng nước này “đã khép lại cánh cửa ngoại giao” giữa hai nước, khiến người ta không thể không liên tưởng đến nguy cơ một cuộc chiến cận kề giữa hai nước.

Điều này không phải là không có lý bởi sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố đã hủy một cuộc không kích trả đũa chỉ 10 phút trước khi khai hỏa. Nếu được tiến hành, cuộc không kích đó là lần đầu tiên Mỹ ném bom Iran trong nhiều thập kỷ đối đầu giữa 2 nước. Trong khi đó, Tehran đổ lỗi cho Washington từ bỏ con đường duy nhất dẫn đến hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ: “Áp dụng các biện pháp trừng phạt vô ích đối với lãnh đạo tối cao và người đứng đầu ngành ngoại giao Iran là đóng cửa lâu dài con đường ngoại giao. Chính quyền tuyệt vọng của ông Trump đang phá hủy các cơ chế quốc tế đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran chẳng qua là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng. Tổng thống Trump phải phản ứng khi máy bay do thám của Mỹ bị IRGC bắn hạ, nhưng cách thức phản ứng cho thấy ông chủ Nhà Trắng không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực, khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Bản thân Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định Tehran không mong muốn chiến tranh với Mỹ. Việc Iran đang rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran và đây cũng có thể là “quân cờ mặc cả” của Iran trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mà khi đó nhượng bộ của Tehran chính là khôi phục nguyên trạng JCPOA. Do đó, trong thời gian tới, chắc chắn Mỹ và Iran sẽ tiếp tục có những động thái "cân não".

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/my-iran-dang-day-nhau-den-mieng-ho-chien-tranh-107082.html