Mỹ-Iran bên miệng hố chiến tranh: Vùng Vịnh hoan nghênh, EU thiệt

Các quốc gia đồng minh vùng Vịnh của Mỹ chấp thuận việc gia tăng quân sự ở khu vực, trong khi phía châu Âu kiên quyết nói không.

Theo một số nguồn tin giấu tên thuộc các cơ quan ngoại giao của Arab Saudi và một số quốc gia vùng Vịnh khác nói với Reuters cho biết đã có những cái gật đầu cho phép Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở đây.

Những nguồn tin này khẳng định các quốc gia đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh đạt được "sự nhất trí cao cho phép Mỹ hoạt động tại đất nước của họ" trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các nước Arab tại Vịnh Ba Tư.

Muc đích của thỏa thuận này là song phương giữa Mỹ với các quốc gia và khá đa dạng về nội dung, nhưng đều dựa trên nguyên tắc kìm chế Iran, Mỹ giữ vai trò bảo vệ các quốc gia này khỏi sự bành trướng và đe dọa của Iran.

Ngoài ra, các nguồn tin cũng xác nhận các quốc gia Arab đang bàn bạc về những động thái mới, cứng rắn hơn với Iran tại Thượng đỉnh các quốc gia Hồi giáo dự kiến sẽ diễn ra tại Mecca (Arab Saudi) vào cuối tháng 5 tới đây.

Trước đó, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng phát đi cảnh báo về việc các hãng hàng không cẩn trọng khi bay qua khu vực vùng Vịnh vì các hoạt động quân sự tại khu vực này. Ngoài ra, Bahrain đã kêu gọi toàn bộ công dân của nước này đang sinh sống và làm việc ở Iran, Iraq trở về nước vì những mối đe dọa về an ninh.

Quân đội Iran trong một buổi thao diễn

Quân đội Iran trong một buổi thao diễn

Về phía Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif khẳng định sẽ không có một cuộc chiến nào xảy ra giữa Mỹ và Iran vào lúc này: "Như lãnh đạo tối cao Iran đã tuyên bố, chúng tôi tin chắc rằng sẽ không có cuộc chiến nào giữa hai bên bởi chúng tôi là những người không muốn chiến tranh. Và không ai thực sự tin rằng có đủ sức mạnh để đối đầu với Iran tại vùng Vịnh này".

Có thể thấy, trong thời điểm này, khi Mỹ liên tiếp gia tăng quân sự ở khu vực vùng Vịnh và tạo ra một bầu không khí "bên miệng hố chiến tranh", không một quốc gia vùng Vịnh nào phản đối. Điều này xuất phát rõ ràng từ lợi ích của họ.

Các nước Arab vùng Vịnh có bề dày lịch sử mâu thuẫn nghiêm trọng với Iran. Còn hiện tại, cuộc chiến giữa liên quân Arab do Arab Saudi dẫn đầu với phiến quân Houthi ở Yemen vẫn chưa có hồi kết, một phần do sự hậu thuẫn của Iran cho nhóm vũ trang này.

Tuy các nước vùng Vịnh đã bật đèn xanh cho một nguy cơ xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran, nhưng về phía EU, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào họ ủng hộ những biện pháp của Mỹ hiện tại.

Từ đầu cuộc căng thẳng giữa Iran và Mỹ từ thời điểm Washington hủy danh sách miễn trừ trừng phạt với các nước mua dầu Iran và gia tăng căng thẳng (đầu tháng 5 đến nay), EU luôn duy trì quan điểm nói không với gia tăng xung đột quân sự.

Họ không ủng hộ các bước đi của Mỹ ở vùng Vịnh, tàu chiến Tây Ban Nha đã rút khỏi đội tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ để bày tỏ quan điểm này. Ngoài ra, EU khẳng định giữ vững các cam kết của họ trong JCPOA, giúp đỡ Iran thoát khỏi các biện pháp trừng phạt và cô lập của Mỹ.

Sĩ quan quân đội Mỹ hướng dẫn binh lính Arab Saudi trong một kế hoạch huấn luyện chung

Việc EU vẫn đang giữ "đèn đỏ" trong những căng thẳng ở vùng Vinh xuất phát từ nhiều yếu tố. Nhưng đầu tiên phải kể đến chính lợi ích của châu Âu tại khu vực này.

Khi Mỹ trừng phạt năng lượng Iran, hàng loạt doanh nghiệp châu Âu về năng lượng, đáng kể nhất là Total của Pháp đã mất toàn bộ thị phần và phải đóng cửa chi nhánh tại quốc gia này vì không muốn bị Mỹ trừng phạt.

Iran là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 OPEC, nhưng họ chỉ tập trung vào xuất khẩu dầu thô, trong khi Pháp, Tây Ban Nha,... lại có hàng loạt đầu tư vào các nhà máy lọc dầu đặt trên đất Iran hay Iraq để chế xuất các sản phẩm từ dầu như xăng, diesel, khí đốt... hưởng lợi từ nguồn dầu thô của Iran.

Iran cũng là một trong những quốc gia nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của châu Âu, giúp khối này tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Nga.

Ngoài ra, khi Trung Đông bất ổn vì một cuộc xung đột, các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng tình hình này để trỗi dậy và tạo ra các hoạt động nguy hiểm với các quốc gia phương Tây. Chưa kể đến nguy cơ EU sẽ là nơi tiếp tục hứng chịu thêm các làn sóng di dân tị nạn vào lục địa già.

Chưa kể, Đức, Pháp - những nhà lãnh đạo EU còn bị ràng buộc với Iran trong nhóm P5+1 và thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Ủng hộ Washington và "lật kèo" với Iran sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín địa chính trị của khu vực này, trong bối cảnh EU đang nỗ lực tìm lại vị thế, tiếng nói của mình trong các vấn đề quốc tế.

Sự ổn định của Iran mang lại cân bằng cho khu vực đầy biến động Trung Đông, đồng thời tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho EU. Đó là lý do vì sao họ không thể đứng về phía Mỹ để ủng hộ cho một cuộc biến động mới với quốc gia này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-iran-ben-mieng-ho-chien-tranh-vung-vinh-hoan-nghenh-eu-thiet-3380317/