Mỹ hủy việc đòi Trung Quốc ngưng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước

Nhằm đạt đến một thỏa thuận thương mại, phía Mỹ đã hủy việc đòi Trung Quốc ngưng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc, theo nguồn tin của Reuters ngày 15/4.

Hãng tin Anh nêu đây là sự rút bỏ một mục tiêu chính trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung vốn được nối lại trong hai ngày 15 và 16/4.

Hai nền kinh tế lớn nhất - nhì thế giới đang có cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng nay, gây tốn kém hàng tỷ USD, làm rúng động thị trường tài chính thế giới và gây đình trệ cho nguồn cung ứng hàng hóa.

Hồi tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn việc Trung Quốc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ, buộc các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, đồng thời đòi Trung Quốc phải ngưng trợ cấp cho các SOE khiến các công ty Mỹ bị kém sức cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, khi ông áp mức thuế trừng phạt trị giá 250 tỉ USD lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận rằng Bắc Kinh không “ăn cắp”, không gây sức ép để các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và các bí mật thương mại. Trung Quốc cũng áp mức thuế trả đũa trị giá 110 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ.

Vấn nạn trợ cấp cho SOE là chuyện phức tạp, Bắc Kinh đã cực lực phản đối, vì đấy là chính sách công nghiệp của Bắc Kinh gồm trợ cấp và miễn thuế cho các SOE và cho các lĩnh vực được đánh giá là có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế lâu dài. Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố vai trò của nhà nước trong các mảng của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nguồn tin của Reuters nói nhằm đạt đến một thỏa thuận thương mại trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới, các nhà đàm phán Mỹ đã chịu rút bỏ yêu sách Trung Quốc ngưng trợ cấp, thay vào đó là tập trung vào các yêu sách mà họ cho là dễ đạt được: Trung Quốc ngưng ép chuyển giao công nghệ, cải thiện khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ. Trung Quốc đã tỏ ra có những nhượng bộ ở các lĩnh vực này.

Một nguồn tin biết cuộc đàm phán thương mại nói: “Nếu các nhà đàm phán Mỹ mô tả thành công trong việc thay đổi hoạt động của kinh tế Trung Quốc thì sẽ không bao giờ có chuyện đó. Một thỏa thuận khiến ông Tập yếu thế sẽ không là một thỏa thuận có giá trị đối với ông ấy. Dù đạt thỏa thuận nào chăng nữa, nó sẽ tốt hơn những gì chúng ta từng có, và nó sẽ không đủ hiệu quả đối với vài người. Nhưng chính trị là thế”.

 Hai đoàn đàm phán Mỹ Trung Quốc - Ảnh : AP

Hai đoàn đàm phán Mỹ Trung Quốc - Ảnh : AP

Hồi đầu năm 2019, Trung Quốc đã hứa kết thúc trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước, nhưng không nói chi tiết cách đạt mục tiêu này, theo ba người biết cuộc đàm phán Mỹ-Trung đã cho Reuters biết hồi tháng 2.

Một trong những điểm bất đồng là Bắc Kinh đòi dở bỏ khoản thuế 250 tỷ USD do Mỹ áp đặt. Giới thương mại đã kỳ vọng các nhà đàm phán Mỹ muốn giữ vài mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, như một cách Mỹ trả đũa sau nhiều năm kinh tế Mỹ bị tổn thất vì cách làm thương mại bất bình đẳng của Bắc Kinh.

Theo Reuters, vai trò của các SOE Trung Quốc có thể làm lợi cho Mỹ trong một phần khác của thỏa thuận thương mại. Mỹ muốn Trung Quốc chi 1 ngàn tỉ USD mua hàng hóa Mỹ trong 6 năm tới, để giảm trừ thâm thủng thương mại.

Các công ty có thể thực hiện những vụ mua sắm này là những công ty SOE, theo hai nguồn tin của Reuters. Một người nói: “Ví dụ cuộc mua sắm này sẽ củng cố vai trò của SOE, vì các SOE đảm nhận tất cả các thương vụ này”.

Hai nguồn tin còn nói một điểm bất đồng khác giữa Mỹ-Trung là lĩnh vực viễn thông, điều có thể khiến Trung Quốc tăng cường vai trò nhà nước thay vì kéo giảm.

Mỹ đã ép các đồng minh giảm hợp tác với các khổng lồ viễn thông Trung Quốc, như công ty Huawei Technologies, vì các công ty này có thể thúc đẩy Bắc Kinh nâng sự ủng hộ của nhà nước nhằm phát triển công nghệ trong nước.

Chuyện trợ cấp và miễn thuế của Trung Quốc đã là nguồn xung đột Mỹ-Trung từ nhiều năm. Mỹ nói Bắc Kinh không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) về chuyện trợ cấp vốn tác động đến cả hai mảng xuất-nhập khẩu.

Trung Quốc đã có những động thái giải tỏa các quan ngại của Mỹ, trong những vụ kiện tụng trước WTO. Bắc Kinh cũng đã giảm thúc đẩy kế hoạch các ngành công nghiệp kỹ thuật cao chiếm lĩnh ưu thế (trong chính sách “Made In China 2025”) dù chỉ vài người kỳ vọng Bắc Kinh sẽ bỏ tham vọng này.

Nhưng Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vẫn phàn nàn Trung Quốc trợ cấp và ủng hộ, gồm ưu tiên cho các doanh nghiệp Trung Quốc có vốn và đất.

Mỹ nói Trung Quốc không công bố chuyện trợ cấp, dù WTO đã có qui định, và trong các báo cáo với WTO, Mỹ đã trình Bắc Kinh có hơn 500 chương trình trợ cấp khác nhau.

Không thể biết tầm cỡ chương trình trợ cấp của các chính quyền địa phương Trung Quốc, và thậm chí các nhà đàm phán Trung Quốc nói họ không nắm rõ chi tiết tất cả các chương trình này, trong các cuộc đàm phán gần đây với phía Mỹ.

Hồi tháng 2, trong báo cáo về sự tuân thủ qui định WTO trình Quốc hội Mỹ, USTR viết: “Trung Quốc tiếp tục che giấu sự trợ cấp ngầm lớn khỏi sự kiểm tra của các nước thành viên WTO”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/my-huy-viec-doi-trung-quoc-ngung-tro-cap-cho-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-161866.html