Mỹ huấn luyện với F-35 chịu rét -40 độ C

Không quân Mỹ đã bắt đầu giai đoạn huấn luyện chiến đấu với F-35 tại Alaska - phiên bản đặc biệt có thể hoạt động tốt ở ngưỡng nhiệt -40 độ C.

Buổi huấn luyện được thực hiện tại căn cứ không quân Eielson ở Alaska nhằm sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ với Nga tại Bắc Cực. Trong khuôn khổ buổi huấn luyện, F-35 được thử khả năng chịu đựng với điều kiện thời tiết lạnh giá và khả năng tác chiến, phối hợp với nhau.

Phiên bản F-35 mang màu sơn dành riêng cho Bắc Cực.

Phiên bản F-35 mang màu sơn dành riêng cho Bắc Cực.

Đây không phải là lần đầu tiên F-35 được mang ra thử nghiệm ở môi trường có nhiệt độ cực thấp nhưng là lần đầu huấn luyện tương tự kiểu thực chiến. Trước đây, Lockheed Martin cũng đã thử nghiệm các chiến đấu cơ F-35 trong hầm gió với nhiệt độ -50 độ C khi dòng máy bay này còn trong giai đoạn phát triển.

Với các dòng máy bay hiện đại ngày nay không chỉ riêng chiến đấu cơ, việc sở hữu khả năng bay ở môi trường có nhiệt độ cực kỳ thấp và cực kỳ cao là yếu tố bắt buộc phải có để phù hợp với nhiều kiểu tác chiến trong tương lai.

Bên cạnh việc có thể hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt, quá trình thử nghiệm trên cũng sẽ kiểm tra xem liệu các thiết bị hỗ trợ sự sống trên chiếc F-35 có đủ khả năng bảo vệ phi công trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời tụt xuống -40 độ C hay không.

Thông thường, bên trong buồng lái của máy bay chiến đấu sẽ được khóa kín không khí, đảm bảo áp suất bên trong luôn không đổi bất kể áp suất không khí bên ngoài thay đổi ra sao. Việc F-35 có thể hoạt động tốt ở độ cao 18.500 mét cũng đồng nghĩa với việc chiếc chiến đấu cơ này có khả năng hoạt động rất tốt trong môi trường có nhiệt độ luôn ở mức âm như Alaska.

Trong cuộc huấn luyện, hệ thống chống đóng băng dầu và chống đóng băng nhiên liệu cũng sẽ được kiểm tra lại một lần nữa vì có nhiều báo cáo của Không quân Mỹ cho rằng F-35 đã "bị đóng băng dầu" trong quá trình hoạt động ở sân bay quân sự Eglin, Florida.

Một điểm yếu khác của chiến đấu cơ tàng hình F-35 đó là nó có khoang bom được đóng kín, khi khoang vũ khí này được mở ra không khí lạnh sẽ tràn vào. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của các kết cấu bên trong khoang vũ khí.

Tất cả những vấn đề trên sẽ được Mỹ đánh giá qua buổi huấn luyện với chiếc F-35 tại Alaska. Nếu vượt qua thì đây sẽ là động lực mới của Mỹ trong cuộc chơi ở Bắc Cực - cuộc chơi mà Mỹ bị đánh giá lép về trước người Nga.

Sẽ không có gì đáng bàn về việc F-35 chính thức hiện diện tại Bắc Cực nếu như ngay trước đó, Nga không tuyên bố đã hoàn thành việc triển khai hệ thống radar chống tàng hình Resonans-N tại đây.

Theo Air Recognition, lực lượng phòng thủ Nga đã triển khai 3 hệ thống radar Resonans-N tại Bắc Cực và công tác xây dựng trạm radar Resonans-N mới vừa hoàn thành. Hệ thống này chính thức được đưa vào vận hành hồi đầu tháng 4/2020.

"Nhiệm vụ của những trạm radar Resonans-N là bảo vệ lãnh thổ Nga từ hướng Bắc, ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm nhập đường không nào, dù đó là mục tiêu tàng hình", vị đại diện của lực lượng phòng thủ Nga nói.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Resonans-N được thiết kế theo nguyên lý xử lý hiệu ứng cộng hưởng sóng dội ở băng sóng mét.

Hệ thống này dùng để giám sát không phận, xác định và tính toán chính xác tọa độ, tham số đường bay của nhiều loại mục tiêu bay đang và sẽ được đối phương triển khai, trong điều kiện chiến đấu bị chế áp điện tử và nhiễu địa vật mạnh.

Resonans-N có thể phát hiện các loại phương tiện bay trên siêu âm trần cao và tầm xa, các loại tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn có hệ số phản xạ điện từ thấp, các loại máy bay có tính năng tàng hình, kể cả F-35, hay máy bay B-2 Spirit của Không quân Mỹ.

Cùng với hoàn thiện hệ thống radar công nghệ cao tại Bắc Cực, Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc, Phó Đô đốc Alexander Moiseyev cũng vừa tuyên bố cho biết, tất cả những đơn vị phòng thủ của Nga tại Bắc Cực đều được trang bị phiên bản đặc biệt của S-400.

Điểm đặc biệt của phiên bản địa cực này là chúng được trang bị động cơ tua bin khí, dùng để khởi động động cơ chính của xe tải hạng nặng và thực hiện việc tăng nhiệt độc lập cho phòng thao tác, hệ thống tên lửa và trang thiết bị điện tử.

Ngoài ra, S-400 phiên bản địa cực có thể hoạt động được trong điều kiện nhiệt độ thấp tới - 60 đến -70 độ C. Cùng với những phiên bản đặc biệt của S-400, Nga cũng chế Tor-M2DT, Pantsir-SA và nhiều vũ khí khác với những cấu tạo đặc biệt dành cho các đơn vị tại nơi có khí hậu khắc nghiệt này.

Nhận xét về cách Nga trang bị vũ khí cho Bắc Cực, tạp chí Air Recognition mới đây có bài viết cho rằng, Bắc Cực đã trở thành một khu vực gia tăng sự chú ý của các cường quốc hàng đầu thế giới nhưng Mỹ hoàn toàn không sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở đó dù đã có những bước đi nhất định trong thời gian qua.

Theo Hòa Bình/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-huan-luyen-voi-f-35-chiu-ret-40-do-c/20200818091018352