Mỹ hứa hẹn 'phần thưởng kinh tế' để Triều Tiên phi hạt nhân hóa?

'Thịnh vượng' phải chăng là 'phần thưởng kinh tế' mà Mỹ hứa hẹn nếu Triều Tiên chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân?

Trong buổi họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Wasington hôm 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng: “Nếu Triều Tiên có các hành động mạnh mẽ để nhanh chóng phi hạt nhân hóa, Mỹ sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với người bạn Hàn Quốc”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt tay thân mật trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng. Ảnh đăng tải trên KCNA ngày 9/5.

Theo Korea Heral, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đánh giá cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng diễn ra “nồng ấm”, “xây dựng” và “tốt đẹp”. Ông cũng tuyên bố rằng nếu Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân theo hướng lâu dài và không thể đảo ngược, thì Mỹ sẽ sẵn lòng giúp Bình Nhưỡng thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Pompeo tới Bình Nhưỡng hôm 9/5 trong chuyến thăm thứ 2 để hoàn tất các kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới và đưa 3 công dân Mỹ từng bị Triều Tiên giam giữ về nước.

Sau cuộc gặp lần thứ 2 này, truyền thông Triều Tiên nói rằng, ông Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đạt được “sự nhất trí thỏa đáng”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã thể hiện sự quan tâm đối với việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại “với những lựa chọn mới”.

Những diễn biến này làm gia tăng kỳ vọng rằng 2 nước đang đến gần một thỏa thuận về các cách thức đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và đảm bảo an ninh cho chính quyền Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử vào ngày 12/6 tới tại Singpore.

Có qua có lại

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề xuất đối thoại trực tiếp với Triều Tiên, đã có những lo ngại rằng liệu hai bên có cùng cách hiểu về phi hạt nhân hóa hay không và làm thế nào để đạt được điều đó.

Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa một cách “lâu dài, có thể xác minh và không thể đảo ngược” trong thời gian ngắn, trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu Washington đảm bảo an ninh và có những bước “tích cực và đồng thời” để đổi lại.

Một trong những bước đi “tích cực và đồng thời” đó được cho là nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế đã “bóp nghẹt” thương mại của Triều Tiên, trong đó có xuất khẩu than đá, sắt, hải sản và hàng dệt may cũng như hạn chế nhập khẩu dầu thô của Bình Nhưỡng.

Theo một số nhà phân tích, Triều Tiên có thể đã nhất trí giải trừ một cách nhanh chóng các chương trình tên lửa và hạt nhân và đổi lại Mỹ có thể đã đồng ý nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Giáo sư Kim Dong-yub tại Viện Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, Hàn Quốc nói: “Tôi nghĩ Mỹ và Triều Tiên đã đạt được sự đồng thuận ở mức độ nhất định. Trong quá trình thực hiện các kế hoạch, từng bước một hoặc cùng lúc, sẽ có khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington. Nhưng thông qua các “lựa chọn mới” (mà ông Trump đề xuất), khoảng cách này có thể được thu hẹp”.

Ông cho biết thêm: “Thỏa thuận giữa hai bên có thể là Mỹ bắt đầu thảo luận về những ‘phần thưởng’ cho Triều Tiên hoặc đưa ra những ‘phần thưởng’ cấp độ thấp cho Triều Tiên khi nước này bắt đầu hành động [phi hạt nhân hóa-ND]”.

Đôi bên cùng có lợi?

Giáo sư Kim Dong-yub cũng cho rằng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể diễn ra như bước đầu tiên ngay trong năm nay, để các nhà lãnh đạo của cả hai bên có thể sử dụng như những thành tựu chính trị. Ông Trump đang đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, còn ông Kim Jong-un cần mang về những kết quả hữu hình để thúc đẩy nền kinh tế và để kế hoạch kinh tế 2016-2021 đi vào hiện thực.

“Thời hạn chót có thể là năm 2020 cho cả 2 nước, trước khi Mỹ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo và Triều Tiên hoàn thành kế hoạch kinh tế 5 năm của mình. Kết quả sau cùng (năm 2020) có thể là Triều Tiên hoàn thành việc giải trừ kho hạt nhân của mình theo cách lâu dài, có thể xác minh và không thể đảo ngược, còn Mỹ ký một hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, bình thường hóa quan hệ và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cùng những đề xuất hỗ trợ kinh tế”, ông Kim Dong-yub nói.

Học giả này cho rằng lý do vô cùng hợp lý khi Triều Tiên đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế là để thu hút sự ủng hộ của người dân – yếu tố chủ chốt đối với sự tồn tại của bất cứ chế độ nào – sau khi đã tự tuyên bố mình là một quốc gia hạt nhân hồi năm ngoái.

Triều Tiên tuyên bố tại cuộc họp của đảng Lao động hồi tháng trước rằng, nước này sẽ dừng tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đóng cửa bãi thử hạt nhân. Các mục tiêu của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đã hoàn thành.

Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ tập trung mọi nỗ lực vào xây dựng kinh tế xã hội - điều mà các nhà phân tích nói là có thể kết thúc chính sách “song hành”, tức là vừa theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân và vừa phát triển kinh tế.

Phần thưởng xứng đáng?

Ông Ko Myong-hyun, một nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc, dù tỏ ra nghi ngờ việc Triều Tiên sẽ hoàn toàn giải giáp chương trình hạt nhân, nhưng cũng đồng ý rằng Mỹ có thể trao “phần thưởng kinh tế” cho Triều Tiên để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa của nước này.

“Tôi nghĩ Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói về sự hỗ trợ kinh tế để đổi lại việc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn. Trước hết, nó sẽ không phải là sự hỗ trợ kinh tế một cách rõ rệt mà sẽ chỉ một phần, dỡ bỏ trừng phạt một cách hạn chế”, ông Ko Myong-hyun nói.

Theo ông, Triều Tiên sẽ không từ bỏ kho hạt nhân của mình, nhưng sẽ tìm cách giảm bớt kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy một số lợi ích kinh tế. Ông cũng nói thêm rằng, các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ bao nhiêu còn tùy thuộc vào việc Triều Tiên sẽ “tình nguyện” giải trừ kho vũ khí hạt nhân của mình chừng nào./.

Thùy Linh/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/my-hua-hen-phan-thuong-kinh-te-de-trieu-tien-phi-hat-nhan-hoa-762633.vov