Mỹ hối lỗi vì từng ném bom hạt nhân?

Các thành viên phe cấp tiến Hạ viện Mỹ phản đối các chính sách hiện đại hóa hạt nhân, phòng thủ tên lửa và ủng hộ không tấn công phủ đầu.

Những tuyên bố cao thượng từ Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã công bố đề xuất ngân sách chi tiêu năm 2022 trị giá hơn 1.500 tỷ USD, bao gồm 769,4 tỷ USD cho các chương trình phi quốc phòng, cao hơn so với mức 753 tỷ USD dành cho chi tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia. Sự chênh lệch này được đánh giá là sự khác biệt lớn trong chính sách của ông Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Theo tờ National Interest (NI), kế hoạch ngân sách này được đưa ra sau các cuộc họp của phe Dân chủ, trong đó có phe cấp tiến. Các thành viên trong cuộc họp kín của phe cấp tiến tại Hạ viện Mỹ đã phản đối các chính sách hiện đại hóa hạt nhân, phòng thủ tên lửa và ủng hộ chính sách không tấn công phủ đầu. Theo đó, Mỹ sẽ không sử dũng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc chiến tranh, qua đó từ bỏ sự mập mờ chiến lược nhằm khiến các đối thủ phải phỏng đoán.

Tổng thống Mỹ J. Biden ưu tiên ngân sách 2022 cho các vấn đê trong nước như y tế, giáo dục

Tổng thống Mỹ J. Biden ưu tiên ngân sách 2022 cho các vấn đê trong nước như y tế, giáo dục

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ hôm 3/3 tuyên bố: “Với tư cách là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột, Mỹ cần phải đóng một vai trò dẫn dắt để đảm bảo rằng loại vũ khí có mức độ hủy diệt nhất được tạo ra này sẽ không bao giờ được sử dụng thêm một lần nữa”.

Tuyên bố còn có đoạn: “Khi thực hiện những thay đổi cần thiết đối với vị thế và cấu trúc lực lượng hạt nhân của Mỹ, chính quyền của các bạn có thể phản ánh một cách tốt nhất thực tế khắc nghiệt và đáng buồn rằng không bao giờ có điều gì gọi là thắng lợi trong một cuộc chiến hạt nhân”.

Phiên họp kín cũng ủng hộ việc loại trừ khả năng thay thế tên lửa Minuteman III có tuổi đời 50 năm mà quân đội nói là đã đi hết tuổi đời hoạt động. Tổng thống Biden từng cảnh báo trong chiến dịch của mình rằng ông ủng hộ phần lớn trong các vấn đề nói trên và có thể cân nhắc một chính sách không tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.

Đánh giá về kế hoạch ngân sách của nước Mỹ năm 2022 và những tuyên bố trên, NI cho rằng nếu không đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự mạnh mẽ thì sẽ không thể có “nhượng bộ”. Bằng chứng được đưa ra là cả Trung Quốc và Nga đều đang nhanh chóng hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình, trong khi kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đã quá lỗi thời – các vũ khí mới nhất cũng từng được sản xuất từ những năm 1980 – nên không có gì đảm bảo là chúng sẽ hoạt động hiệu quả.

Đám mây hình nấm bốc lên sau khi Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8/1945

Theo NI, các đồng minh của Mỹ phụ thuộc vào sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ để bảo vệ an ninh cho họ và coi đây là một hàng rào chống lại sự đe dọa hạt nhân của các đối thủ. Dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), NI cho biết ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh trên giấy tờ là 183,5 tỷ USD - thấp hơn rất nhiều so với thực tế, trong khi theo ước tính của các hãng tư vấn khác thì chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc phải rơi vào khoảng 261 tỷ USD, thậm chí cao hơn.

Con số này cho phép Trung Quốc sản xuất hàng loạt máy bay, tàu chiến và tên lửa mới với giá cạnh tranh hơn nhiều, và với một mức độ mà nền tảng quân sự - công nghiệp đang suy yếu của Mỹ không thể theo kịp. Trong khi đó, sự chi tiêu “quá mức” của Lầu Năm Góc trong các dự án như máy bay chiến đấu F-35 hay tàu sân bay lớp Ford và tàu khu trục lớp Zumwalt đã gây ra những phàn nàn không ngớt từ phía Đồi Capitol và nhiều nơi khác.

Lục đục vì tiền?

Để cảnh báo hậu quả có thể xảy ra khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, NI cho rằng chính việc cắt giảm ngân sách thời cựu Tổng thống Barack Obama từng khiến Mỹ không chuẩn bị được sẵn sàng để quay trở lại cuộc cạnh tranh nước lớn. Trong những năm ông Obama cầm quyền, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng đột ngột 83% trong khi cựu tổng thống Mỹ lại giảm 20% chi tiêu quốc phòng.

Để minh họa chi tiết hơn, NI cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng là nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm thảm khốc của tàu USS John S.McCain và tàu USS Fitzgerald với các tàu thương mại hồi năm 2017. Các thủy thủ không được huấn luyện đầy đủ và các cuộc triển khai quân sự “méo mó” kết hợp với nhau gây ra hậu quả lớn. Ngay cả khi được đầu tư đầy đủ, Hải quân cũng thiếu không gian đóng tàu tương xứng để xây dựng các tàu mới và duy trì các tàu đang có. Trong khi đó, Trung Quốc đang có năng lực đóng tàu lớn nhất thế giới.

NI dùng nhiều dẫn chứng để phản đối kế hoạch ngân sách 2022 của chính quyền Biden, trong đó tiếp tục dẫn ra "mối đe dọa" hạt nhân từ phía Nga và Trung Quốc

Theo NI, chính quyền của ông Biden đang cân nhắc giảm số lượng các tàu sân bay. Đề xuất này cũng sẽ kéo théo việc loại bỏ tàu sân bay lớp Nimitz USS Harry S. Truman, vốn được đưa vào hoạt động vào năm 1998.

NI kết luận rằng, sự cắt giảm chi tiêu quân sự kỷ nguyên Obama đã làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc cạnh tranh với các đối thủ. Nếu còn cắt giảm nữa thì sẽ chỉ làm xói mòn thêm năng lực quân sự của Mỹ trong việc đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Nga.

Trên thực tế, ngân sách cho riêng lĩnh vực quốc phòng được ông Biden đề xuất trị giá 715 tỷ USD đã tăng so với 704 tỷ USD của năm tài khóa hiện nay. Kế hoạch chi tiêu của ông Biden cũng chú trọng việc mở rộng hoạt động của Hải quân Mỹ, hỗ trợ các chương trình hiện đại hóa hạt nhân, hỗ trợ nỗ lực lập kế hoạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các cơ sở của Bộ Quốc phòng và đầu tư vào nghiên cứu phát triển năng lượng.

Trong kế hoạch ngân sách quốc phòng, ông Biden dành gần 107 tỷ USD cho việc mua vũ khí, phát triển và nghiên cứu liên quan đến quốc phòng, mức chi lớn nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng chú trọng đến phát triển ô tô tự lái, vi điện tử, trí tuệ nhân tạo và tên lửa siêu thanh.

Người Mỹ vẫn than phiền dù Mỹ là nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới. Ảnh: "hàng lỗi" F-35 và chiến hạm lớp Zumwalt của Mỹ

Trái với đánh giá của NI, nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna của bang California, thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện, cho rằng đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng cho Lầu Năm Góc của ông Biden là "đáng thất vọng và không nên đổ tiền vào các dự án gây lãng phí". Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cùng một số Thượng nghị sĩ khác mô tả kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Biden là "tín hiệu xấu" đối với các đối thủ, thậm chí là không đủ nếu tính lạm phát.

Những phát biểu chỉ trích trên cho thấy trong lòng nước Mỹ đang diễn ra một cuộc chiến nội bộ liên quan tới chiến lược sử dụng vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard, cảnh báo nước này cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc hoặc Nga. Đô đốc Charles Richard phát biểu trên báo chí: “Trên thực tế, khả năng khủng hoảng khu vực với Nga hoặc Trung Quốc có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu như họ coi việc thất bại trong một cuộc chiến thông thường là mối đe dọa đối với chế độ hoặc nhà nước”.

Theo ông Richard, Lầu Năm Góc cần nhận thức được mối đe dọa xảy ra xung đột hạt nhân là có thật, đồng thời cần xây dựng những khái niệm mới về ngăn chặn, và nếu cần là về việc tiến hành chiến tranh hạt nhân. Theo vị Đô đốc này, Nga đã hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình trong hơn 10 năm qua bằng các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới. Ngoài ra, việc sáp nhập bán đảo Crimea được ông Richard nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng “đua tranh”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/ho-so/my-hoi-loi-vi-tung-nem-bom-hat-nhan-3430585/