Mỹ hội 4 quân chủng cho 'Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương'

Tướng James C.McConville, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tiết lộ Washington đang phát triển các hệ thống tên lửa tấn công tàu chiến để ứng phó Trung Quốc ở khu vực Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) tập trận trên Biển Đông hồi đầu tháng 7 ẢNH: PACOM

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) tập trận trên Biển Đông hồi đầu tháng 7 ẢNH: PACOM

Thông tin trên báo Thanh Niên cho thấy mới đây, Washington đã điều động máy bay tình báo, do thám và trinh sát (ISR) đến căn cứ ở Nhật Bản để hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đây là khí tài thuộc lực lượng lục quân Mỹ.

Đợt diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương lần thứ 27 do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ được tổ chức tại vùng ven biển Hawaii từ ngày 17 đến 31/8. Năm nay, có khoảng 20 tàu và 5.300 nhân sự thuộc lực lượng của 10 nước tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) khai mạc ngày 17.8 tại vùng biển Hawaii, dự kiến diễn ra trong 2 tuần. Cuộc tập trận năm nay có chủ đề “Khả năng, thích ứng và đối tác”.

Ngoài ra, thời gian qua, tàu chiến và máy bay thuộc hải quân và không quân thường xuyên hoạt động ở Biển Đông. Các binh sĩ thủy quân lục chiến thuộc lực lượng viễn chinh Mỹ mới đây cũng tiến hành một số cuộc tập trận ở Biển Đông nói riêng và Indo-Pacific nói chung.

Như vậy, Washington đã điều động cả 4 quân chủng (lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến) đến khu vực này nhằm đáp ứng chiến lược Indo-Pacific hòa bình và rộng mở - mà mục tiêu là ứng phó với Bắc Kinh.

Mặc dù nhận định Mỹ khó điều động lực lượng lục quân với quy mô lớn đến Indo-Pacific, nhưng GS Sato đánh giá khi tập trung 4 quân chủng đến khu vực mang ý nghĩa lớn.

Theo VOV, một nhóm các nhà lập pháp, do Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ dẫn đầu đã đề xuất “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương”, yêu cầu chi 6 tỷ USD để tăng cường phòng thủ trên không, đẩy mạnh các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát, thực hiện thêm nhiều cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom và gia tăng chi phí cho hoạt động tác chiến dưới biển, tờ National Interest cho biết.

Về cơ bản, sáng kiến này sẽ tài trợ cho việc triển khai lâu dài một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa cùng các vũ khí phụ trợ trên đảo Guam, điều mà Trung Quốc kịch liệt phản đối.

Phía Mỹ cũng cho rằng, mục đích rõ ràng của đề xuất mới này là “tăng cường hòa bình, ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương” nhờ vào việc gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

“Không phải tất cả các chương trình đều mới nhưng bằng cách tập hợp chúng lại với nhau trong khuôn khổ 1 chính sách chung, chúng tôi sẽ có thể đánh giá tốt hơn các cam kết, thể hiện quyết tâm của chúng tôi đối với các đồng minh, đối tác và ngăn chặn Trung Quốc”, ông Thornberry nói.

Một số ý kiến cho rằng, “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ giúp ngăn chặn các “hành vi gây hấn” của Trung Quốc bằng cách củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngày 18.8, trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Việc Mỹ gần đây rút lục quân ra khỏi Đức khiến Washington phải tìm kiếm một địa điểm mới để triển khai lực lượng này. Việc đưa lực lượng lục quân rời khỏi Đức đến một số vùng lãnh thổ của Mỹ cũng là một chọn lựa. Bên cạnh đó, tình hình của Indo-Pacific hiện nay với sự gia tăng căng thẳng liên quan Trung Quốc thì cũng rất phù hợp để Mỹ tăng cường lục quân hiện diện ở khu vực này”.

Tuy nhiên, GS Sato cũng nhận định Mỹ khó điều chuyển lực lượng lục quân quy mô lớn đến khu vực. “Bối cảnh của châu Âu và Indo-Pacific khá khác nhau nên cũng sẽ khác nhau về quy mô triển khai. Khó có quốc gia nào ở Indo-Pacific có chung biên giới với Trung Quốc muốn tiếp nhận lực lượng lục quân của Mỹ. Các nước khác ở Đông Nam Á hay Nhật Bản (có biên giới chung trên biển với Trung Quốc) cũng không muốn có sự hiện diện của lục quân Mỹ ở quy mô lớn”, ông nói.

Tương tự, trên Báo Thanh Niên, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Mỹ đang muốn tái cân bằng quân sự ở khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính xác thì cả 4 quân chủng của Mỹ vốn đã hiện diện ở Thái Bình Dương từ thế kỷ 19. Thực chất, ngược dòng lịch sử thì không quân là một phần của lục quân, và chỉ tách rời từ năm 1947”.

“Điểm mới ở đây là lục quân và không quân của Mỹ đang thể hiện vai trò ngày càng thực chất hơn ở Indo-Pacific. Vai trò đó ngay cả trên biển và để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và thực tế trong lịch sử quân đội Mỹ, lục quân đổ bộ lên đảo nhiều hơn là thủy quân lục chiến”, TS Holmes nhận định.

Về phản ứng của Trung Quốc, cựu đại tá Schuster dự báo: “Trước các hoạt động trên của Washington, Bắc Kinh có thể sẽ củng cố các đơn vị ở các cơ sở mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông."

Nhóm tàu Mỹ tập trận tại Biển Đông vào đầu tháng 7. Ảnh: Reuters

Trước đó, Trung Quốc cũng đã lên tiếng về “Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hồi tháng 6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ “khoanh tay đứng nhìn” nếu kế hoạch đó được thực hiện.

“Nếu phía Mỹ đẩy mạnh việc triển khai thì đó là một sự khiêu khích rõ ràng ở “ngưỡng cửa” Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại động thái này”, ông Ngô Khiêm nói.

“Sáng kiến Răn đe Ấn Độ - Thái Bình Dương” phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Trước đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tranh cãi về một loạt vấn đề như Biển Đông, thương mại, tội phạm mạng và ảnh hưởng địa chính trị.

Tuấn Quỳnh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/my-hoi-4-quan-chung-cho-sang-kien-ran-de-an-do-thai-binh-duong-115808.html