Mỹ hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư Brunson

Hôm 12-10, Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã ra phán quyết trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson, bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10-2016 với cáo buộc liên quan đến khủng bố và là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ankara và Washington.

Tòa án trên cũng đồng thời xóa bỏ mọi cáo trạng chống lại ông Brunson. Động thái này được đánh giá là dấu hiệu hạ nhiệt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong phiên tòa diễn ra cùng ngày tại thành phố Aliaga, tỉnh Izmir, Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hủy bỏ các hạn chế pháp lý đối với mục sư Brunson. Dù tuyên mức án phạt 3 năm tù giam đối với vị mục sư này, song tòa nêu rõ mục sư trên sẽ không phải thụ án do một phần thời hạn tù đã được chấp hành từ khi ông này bị bắt giữ và có tính tới thái độ hợp tác trong quá trình xét xử. Với các nội dung trên của phán quyết, mục sư Brunson được tự do rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức.

Quyết định của Ankara đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ phía Washington. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Nhà Trắng cho biết đang mong đợi sự trở về của mục sư đoàn tụ với gia đình. Tuyên bố cũng bày tỏ lo ngại về việc các công dân Mỹ khác vẫn đang bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác. Nhà Trắng hối thúc một giải pháp cho tất cả các vấn đề này, theo một cách minh bạch và công bằng.

Mục sư Brunson và vợ tại sân bay ở tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-10. Ảnh: Reuters

Trước đó, đài phát thanh và truyền hình NBC của Mỹ cho rằng, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã “bí mật” đạt được thỏa thuận về việc Ankara thả tự do mục sư Brunson trong ngày 12-10, đồng thời xóa bỏ mọi cáo trạng chống lại ông.

Đổi lại, Washington phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt Ankara, vốn khiến đồng lira nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ tụt dốc. Liên quan tới vấn đề này, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không có thỏa thuận bất cứ điều gì để đổi lấy sự tự do của mục sư Brunson: “Chúng tôi không đạt bất cứ thỏa thuận nào. Tôi xin nhắc lại không có thỏa thuận nào đạt được để đổi lấy sự tư do của ông mục sư. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui vì ông ấy đã được trả tự do và sức khỏe vẫn tốt”.

Mục sư Andrew Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10-2016 tại một nhà thờ ở thành phố Aliaga. Ankara cáo buộc mục sư này hậu thuẫn âm mưu đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016. Việc bắt giữ và xét xử mục sư Brunson đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã nhiều lần đề cập vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Washington cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã lâm vào khủng hoảng kinh tế và tìm cách tránh việc Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục phạt hàng tỷ USD đối với một ngân hàng của nước này do âm mưu vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cũng như xóa bỏ mọi cáo buộc chống lại mục sư Brunson được cho là sẽ hạ nhiệt căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Ông Jon Alterman, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết: “Đây là một bước cần thiết nhưng không đủ để đảo ngược những gì đã là một sự rạn nứt sâu sắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mọi chú ý giờ có thể chuyển hướng sang số phận của một nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Mỹ từng làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện đang bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên quan tới khủng bố, cũng như 3 nhân viên địa phương của Lãnh sự quán Mỹ - những người cũng đã bị bắt giam. Washington muốn Ankara trả tự do cho tất cả những người này.

Thông qua mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: “Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng giải phóng các công dân Mỹ bị giam giữ khác cũng như các nhân viên làm việc tại địa phương”.

Nếu nhìn lại quá khứ thì có thể thấy mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ở vấn đề bề nổi hiện nay liên quan đến mục sư Brunson, mà còn vì nhiều vấn đề khác.

Hai bên đã tồn tại những bất đồng ngay từ trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền: Chiến dịch chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ chủ yếu dựa vào lực lượng người Kurd ở Syria mà Ankara coi là kẻ thù; quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không của Nga; Ankara nghi ngờ Washington đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016…

Tất cả những điều này đẩy bất đồng giữa hai nước lên đến khủng hoảng, cho dù ai là ông chủ Nhà Trắng chăng nữa.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-hoan-nghenh-tho-nhi-ky-tha-muc-su-brunson-514964/