Mỹ hỗ trợ hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu

Hơn 80 đại diện đến từ cơ quan nhà nước và Hiệp hội Doanh nghiệp về các đề án cải cách, hiện đại hóa thống nhất các giải pháp về công nghệ thông tin, liên kết.

Ngày 28-2, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với cơ quan Tổ chức Tạo thuận lợi thương mại phát triển Quốc tế Mỹ đã tổ chức hội thảo “Cục Hải quan TP.HCM với mục tiêu, giải pháp chiến lược tạo thuận lợi thương mại”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp…

Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết nhận diện được những rào cản thương mại trong hoạt động tạo thuận lợi thương mại, trong nhiều năm qua Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, UBND TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng nhiều chương trình, giải pháp tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Cục Hải quan TP.HCM đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình kế hoạch tạo thuận lợi thương mại, hiện đại hóa hải quan. Trọng tâm là tổ chức hội nghị đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, Tổng lãnh sự; khởi động dự án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái”; triển khai hệ thống phần mềm quản lý điều hành tập trung - hệ thống HCAS...

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, phát biểu tại hội thảo.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Thắng, kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các bộ chức năng thực hiện chưa thật sự thuận lợi, gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan, làm cho các nhà xuất nhập khẩu tốn thời gian, chi phí và làm ảnh hưởng nhiều nhất tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ với Hải quan TP.HCM là một phần của chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho sáu tỉnh thuộc địa bàn dự án, Tổng cục Hải quan Việt Nam và các cơ quan chủ quản khác.

Hợp tác giữa dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ và Hải quan TP.HCM có thể coi là mô hình hợp tác hiệu quả, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình cải thiện hiệu suất làm việc của ngành hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Ngay sau hội thảo, các chuyên gia của Cục Hải quan TP.HCM và Ban quản dự án tạo thuận lợi thương mại thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã tiếp tục cùng ngồi lại với nhau để thảo luận các chương trình, giải pháp cụ thể để sớm đẩy nhanh tiến độ của các đề án, chương trình giải ngân dự kiến vào quý I-2020.

Ngay trong quý I-2020, Cục Hải quan TP.HCM và các đơn vị liên quan sẽ triển khai các đề án giải pháp tạo thuận lợi thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Trần Thoang, Phó Giám đốc dự án, cho biết mục tiêu của dự án là áp dụng và thực hiện phương thức quản lý rủi ro đối với cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam, đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đối với hoạt động hải quan, việc triển khai đề án tạo thuận lợi thương mại do Cục Hải quan TP.HCM đang triển khai tại cảng Cát Lái là một trong những nội dung thúc đẩy thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cho rằng đề án tạo thuận lợi thương mại của Cục Hải quan TP.HCM với các giải pháp rất cụ thể được triển khai tại cảng Cát Lái với lưu lượng hàng hóa lớn nhất cả nước. Dưới góc độ hiệp hội với 60% doanh nghiệp lớn, hiệp hội hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao những nội dung tạo thuận lợi thương mại của Cục Hải quan TP.HCM. Đề án đã góp phần giảm chi phí dịch vụ logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu.

“Chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn cao, trong khi chỉ số năng lực về dịch vụ logistics đang được cải thiện rất tốt, nên cần có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan quản lý, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp logistics mong muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của đại lý hải quan" - ông Hiệp nói.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/my-ho-tro-hien-dai-hoa-hai-quan-tao-thuan-loi-xuat-nhap-khau-893010.html