Mỹ hé lộ ý định 'đẩy mạnh' cuộc chơi ở Thái Bình Dương trước nguy cơ 'phân ly'

Ngày 8/6, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết, Mỹ có kế hoạch phối hợp với đồng minh và một số nước khác để hỗ trợ các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết, Mỹ có kế hoạch phối hợp với đồng minh và một số nước khác để hỗ trợ các quốc đảo ở Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết, Mỹ có kế hoạch phối hợp với đồng minh và một số nước khác để hỗ trợ các quốc đảo ở Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Trước việc 5 quốc đảo ở Thái Bình Dương vào tháng 2 vừa qua thông báo, họ sẽ bắt đầu rút khỏi Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), ông Campbell cho biết, Mỹ muốn làm việc với những quốc gia khác để kết nối lại diễn đàn này, sau vụ việc mà ông gọi là “phân ly”, để tạo điều kiện cho các cam kết song phương và thể chế trong tương lai.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trung tâm an ninh Mỹ mới tổ chức, ông Campbell khẳng định: “Đây là những hòn đảo mà Mỹ có lợi ích chiến lược và mối quan hệ lịch sử to lớn, mặc dù đôi khi chúng tôi quên mất điều đó".

Trong thời gian sắp tới, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh như Australia, New Zealand, Nhật Bản và những nước khác để cùng với các quốc đảo Thái Bình Dương thảo luận về các lĩnh vực chung như nghề cá, hoạt động bảo vệ bờ biển, hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19.

Ông Campbell cho biết, khu vực này phải đối mặt với thách thức lớn như đói nghèo, bệnh tật, biến đổi khí hậu, trong khi đó, việc hỗ trợ giải quyết những thách thức này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, đây sẽ là mục tiêu mà Mỹ phải đẩy mạnh “cuộc chơi” của mình.

Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trong những năm gần đây đã trở thành "chiến trường" cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung quốc và Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ.

Hầu hết các quốc đảo này đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế nghiêm trọng do phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, khi ngành này buộc phải đóng cửa vào năm ngoái do dịch Covid-19.

Trước đó, hồi tháng 2, các nhà lãnh đạo của 5 quốc đảo gồm Nauru, Kiribati, Quần đảo Marshall, Palau và Liên bang Micronesia (FSM) đã ra thông cáo chung cho biết, họ đã nhất trí bắt đầu quá trình chính thức rút khỏi PIF.

Các nhà lãnh đạo Micronesia lấy lý do "rất thất vọng" với quy trình bổ nhiệm Tổng thư ký PIF mà cựu Thủ tướng của Quần đảo Cook Henry Puna là người giành chiến thắng, "vượt mặt" ứng cử viên được nhóm 5 quốc đảo trên đề cử, nhà ngoại giao Gerald Zackios của Quần đảo Marshall.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-he-lo-y-dinh-day-manh-cuoc-choi-o-thai-binh-duong-truoc-nguy-co-phan-ly-147848.html