Mỹ-Hàn vẫn âm thầm tập trận chung

Mỹ-Hàn vẫn tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự chung nhưng không điều động các vũ khí chiến lược như B-52 hoặc tuyên bố công khai.

Tránh khiêu khích Triều Tiên

Giới phân tích Mỹ cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump đình chỉ các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc là khá bất ngờ và sớm hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ.

Mỗi năm, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành 3 cuộc diễn tập quân sự lớn, và xen kẽ giữa chúng là các cuộc diễn tập nhỏ hơn.

Vào mùa Thu, hai nước đồng minh này thường tổ chức cuộc diễn tập “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” (UFG), một cuộc diễn tập giả định bằng các hoạt động mô phỏng trên máy tính và thường diễn ra trong khoảng 2 tuần.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận đổ bộ

Cuộc tập trận này giúp những người hoạch định chính sách tăng cường khả năng phối hợp thông tin, hậu cần và tác chiến không quân.

Vào mùa Xuân, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành hai cuộc tập trận là Giải pháp then chốt (Key Resolve) trong 2 tuần và Đại bàng non (Foal Eagle) trong 8 tuần.

Các cuộc diễn tập quân sự là nhân tố trung tâm trong liên minh Mỹ-Hàn. Cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc bao gồm việc triển khai 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc, cùng khả năng sẵn sàng đổ bộ quân tới bán đảo Triều Tiên nếu đồng minh bị tấn công.

Để duy trì sự nhuần nhuyễn trong tác chiến, các lực lượng phải diễn tập thường xuyên, và các hoạt động đó không chỉ bao gồm quân đội Mỹ mà còn có cả các chiến dịch phối hợp tác chiến với Hàn Quốc.

Ngoài ra, hầu hết các quân nhân Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc đều có nhiệm kỳ 1-2 năm, trong đó các lực lượng tác chiến trên thực địa được luân chuyển định kỳ từ 9-12 tháng.

Để đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng này luôn phải thực hiện kế hoạch diễn tập và huấn luyện thường xuyên. Các cuộc diễn tập quân sự mang hàm ý khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ cũng như đưa ra tín hiệu cảnh báo với các đối thủ của Mỹ.

Giới phân tích Mỹ đã đặt câu hỏi về tác động của việc đình chỉ các hoạt động diễn tập quân sự này đối với tính sẵn sàng của liên minh Mỹ-Hàn.

Mỹ-Hàn vẫn âm thầm tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự chung

Washington và Seoul từng vài lần tạm dừng các cuộc diễn tập quân sự trong năm 1992 và giai đoạn 1994-1996 - thời điểm Chính quyền của Tổng thống khi đó là Clinton đạt được Thỏa thuận Khung về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.

Theo đánh giá của giới quân sự Mỹ, nếu các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn bị trì hoãn, các lực lượng của hai nước vẫn sẽ tiếp tục được huấn luyện nhưng với quy mô nhỏ hơn nhằm duy trì tính sẵn sàng chiến đấu hợp lý.

Để đề phòng hoạt động tấn công quy mô lớn từ Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì một số hoạt động diễn tập vẫn diễn ra trong thời gian ngắn với cấp chỉ huy thấp hơn để Bình Nhưỡng không có lý do phản đối.

Mỹ và Hàn Quốc được cho là có thể chấp nhận những rủi ro từ việc trì hoãn tập trận trong vòng 1 năm khi những nguy cơ từ hoạt động quân sự của Triều Tiên tại Khu Phi Quân sự ngày càng giảm xuống hoặc để đổi lấy khung thời gian phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ vẫn duy trì tính thường trực chiến đấu thông qua các hoạt động diễn tập chung nhỏ khác. Ít nhất, trong các hoạt động diễn đó sẽ không có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52 hoặc các tuyên bố công khai về mục tiêu diễn tập nhằm đối phó với Triều Tiên.

Chính Tổng thống Trump đã gọi các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc là “khiêu khích” và “không thích hợp” trong khi đang đàm phán với Triều Tiên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-han-van-am-tham-tap-tran-chung-3360452/