Mỹ - Hàn Quốc: Thỏa thuận chi phí đồn trú

Hàn Quốc và Mỹ hôm 10/2 đã đạt được một thỏa thuận mới nhằm tăng mức đóng góp của Seoul trong chi phí duy trì hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Thỏa thuận đạt được sau nhiều vòng đàm phán khó khăn, thậm chí đe dọa tới sự tồn vong của khối đồng minh giữa hai nước.

Binh sỹ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. (Nguồn: AP).

Thỏa thuận mới

Năm ngoái, Hàn Quốc đã đóng góp khoảng 830 triệu USD, khoảng 40% tổng chi phí duy trì sự hiện diện của 28.500 binh sỹ Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định rằng, Hàn Quốc cần phải chi nhiều tiền hơn để duy trì sự hiện diện quân sự này.

Trong hôm 10/2, trưởng phái đoàn đàm phán của hai quốc gia đã ký kết một bản kế hoạch chia sẻ chi phí mới, trong đó yêu cầu phía Hàn Quốc chi khoảng 1,04 nghìn tỷ Won (924 triệu USD) trong năm 2019 để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ - một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay.

Tuyên bố trên khẳng định, hai quốc gia đã tái khẳng định sự cần thiết của sự hiện diện “ổn định” của quân đội Mỹ trong bối cảnh “tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang thay đổi nhanh chóng”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nói rằng, phía Mỹ đảm bảo với Hàn Quốc rằng họ giữ vững cam kết về mặt an ninh cho đồng minh của mình, và rằng không có kế hoạch thay đổi số lượng binh sỹ đang đóng quân trên lãnh thổ Hàn Quốc.

“Chúng tôi, Chính phủ Mỹ đều nhận thức được rằng Hàn Quốc đóng góp rất nhiều cho khối đồng minh, sự ổn định và hòa bình trong khu vực”- Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Timothy Betts phát biểu tại Seoul- “Chúng tôi rất vui mừng vì các vòng tham vấn đã mang lại kết quả là một thỏa thuận. Thỏa thuận đó sẽ tăng cường sự minh bạch và thắt chặt sự hợp tác trong khối đồng minh”.

Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức khoảng 10 vòng đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí, nhưng đều thất bại. Một bản thỏa thuận liên quan tới khoản chi của phía Hàn Quốc có hiệu lực 5 năm được hai nước ký kết từ năm 2014 đã chấm dứt vào cuối năm 2018.

Do bất đồng về chia sẻ chi phí duy trì hiện diện quân sự Mỹ, một số chính trị gia bảo thủ ở Hàn Quốc từng nêu nhiều quan ngại về khối đồng minh đang suy yếu với Mỹ trong bối cảnh tiến trình đàm phán về hạt nhân với Triều Tiên ở thế bế tắc. Các chính trị gia này nói rằng, Tổng thống Trump có thể lấy thất bại về chia sẻ chi phí làm cớ để rút bớt binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc, và lấy đó làm “quân bài” đàm phán với Triều Tiên.

Cách đây một tuần lễ, trả lời phỏng vấn với Hãng CBS, Tổng thống Trump nói rằng ông không có kế hoạch rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc. Nhưng trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump từng nói rằng ông có thể rút bớt binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, trừ khi hai nước này chia sẻ bớt gánh nặng chi phí hỗ trợ các binh sỹ Mỹ đang đóng quân tại đó.

Vấn đề gây tranh cãi

Giới truyền thông Hàn Quốc trước đó còn cho hay, Tổng thống Trump đề nghị phía Hàn Quốc tăng gấp đôi chi phí duy trì hiện diện quân sự Mỹ trên lãnh thổ nước này, trước khi Chính quyền Trump đưa ra con số cụ thể là 1,13 nghìn tỷ Won (1 tỷ USD). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chỉ nói rằng Mỹ đề nghị họ tăng mạnh chi phí, nhưng không công bố con số cụ thể.

Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng này. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tổ chức tại Singapore đã có kết quả là cam kết “giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng trước đó khẳng định rằng họ sẽ chỉ giải giáp hạt nhân sau khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.

Quân đội Mỹ tới Hàn Quốc với mục đích giải trừ vũ khí quân đội Nhật, nước đô hộ bán đảo Triều Tiên trong khoảng 1910-1945, sau thất bại của nước này trong Thế chiến II. Phần lớn binh sỹ Mỹ đã rút khỏi bán đảo Triều Tiên vào năm 1949, nhưng lại trở lại ngay vào năm sau đó để tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Hàn Quốc bắt đầu chia sẻ chi phí duy trì hiện diện quân sự Mỹ vào đầu những năm 1990, sau khi vực dậy được nền kinh tế nước nhà. Sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc được xem là một biểu tượng cho khối đồng minh quân sự hai nước, nhưng cũng là nguồn cơn gây bất đồng ngay tại Hàn Quốc.

Trong hôm 10/2, nhiều nhà hoạt động ở Hàn Quốc đã tuần hành gần trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul, giơ cao biểu ngữ “Không chi tiền cho quân đội Mỹ”. Cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/my-han-quoc-thoa-thuan-chi-phi-don-tru-tintuc429414