Mỹ giúp Việt Nam đẩy mạnh sử dụng xăng E5 thế nào?

Nếu người Mỹ giúp công nghệ và kỹ thuật để Việt Nam sản xuất ra xăng E5 chất lượng thì điều đó rất đáng làm.

Tại Hội nghị tuyên truyền về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học do Bộ Công thương và Hội đồng Hạt cốc Mỹ vừa qua, Giám đốc phát triển thị trường Ethanol ngỏ ý Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng chính sách mới của mình liên quan đến sử dụng nhiên liệu sinh học, đặc biệt là việc đẩy mạnh sử dụng xăng E5 trong năm 2020.

Bình luận về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đặt câu hỏi không rõ người Mỹ sẽ giúp Việt Nam gì và như thế nào? Tuy nhiên, nếu họ giúp kỹ thuật, công nghệ để Việt Nam sản xuất ra loại xăng E5 chất lượng thì đó là điều rất đáng làm.

"Chất lượng ethanol của Mỹ hẳn phải có chất lượng tốt thì mới được nhiều nước nhập khẩu. Mỹ và nhiều quốc gia khác đã sản xuất xăng E10 nghĩa là họ phải có công nghệ, kỹ thuật để chế ra loại xăng chất lượng.

Trong khi đó, Việt Nam mới sản xuất ra xăng E5 và nó mới đạt những chỉ tiêu cơ bản, còn chất lượng vẫn khiến người tiêu dùng e dè.

Thực ra, không phải chỉ xăng sinh học, mà ngay cả xăng A95 của Việt Nam với xăng của nước ngoài cũng khác nhau một trời một vực.

Tôi có một người quen đi chiếc Mercedes. Anh ta chấp nhận đi xa, sang khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội để đổ xăng ở cây xăng Nhật Bản bởi có như vậy mới yên tâm. Còn đối với xăng A95 của Việt Nam, anh ta cho biết xe dễ bị trục trặc nếu đổ loại xăng này.

Dĩ nhiên không phải người tiêu dùng nào cũng như vậy, nhưng rõ ràng có một vấn đề lớn mà những cơ quan có trách nhiệm ít nhìn thẳng, đó là chất lượng xăng của Việt Nam chưa bằng thế giới. Đó là yêu cầu thông thường, cơ bản nhất mà chúng ta chưa làm được. Nó cho thấy trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng xăng E5, không chỉ cần đến biện pháp tuyên truyền mà quan trọng là chất lượng phải đảm bảo

Để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng xăng E5, không chỉ cần đến biện pháp tuyên truyền mà quan trọng là chất lượng phải đảm bảo

Vì thế, một lần nữa nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định, nếu Mỹ giúp Việt Nam sản xuất ra xăng E5 chất lượng thì rất tốt. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, nếu Mỹ giúp theo cách muốn Việt Nam mở cửa để đưa xăng E5 của Mỹ vào bán thì lại là chuyện khác và rõ ràng Việt Nam không có lợi.

Ông lưu ý đây cũng có thể là một khả năng bởi như thông tin tại hội nghị, lượng giao dịch thương mại ethanol toàn cầu năm 2017 đạt 8,3 tỷ lít, trong đó thị phần của Mỹ so với tổng lượng xuất khẩu của thế giới đạt tới 65%.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, một trong những quốc gia nhập khẩu ethanol lớn của Trung Quốc từ tháng 4 năm nay đã thông báo tăng thuế từ 30% lên 45% đối với mặt hàng ethanol nhập khẩu từ Mỹ, như một phần trong động thái đáp trả đối với các mức thuế mà Washington áp đặt lên mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu.

"Nếu đúng như thế thì Việt Nam bất lợi quá bởi xăng E5 của Việt Nam còn chưa tiêu thụ hết. Tuy nhiên, tôi tin rằng Việt Nam không dại gì chỉ cần mở thị trường mà cũng muốn một cái gì đó lớn hơn", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Từ câu chuyện xăng sinh học của Việt Nam, vị chuyên gia nhìn ra những lĩnh vực khác của Việt Nam. Ông cho biết vừa qua một số chuyên gia Trung Quốc đã sang Việt Nam khảo sát công nghệ một số ngành thì họ ngạc nhiên bởi công nghệ lạc hậu quá.

Đơn cử, với ngành giấy, công nghệ lạc hậu đã đành, đằng này Việt Nam có những thiết bị, máy móc tốt hơn máy Trung Quốc nhưng lại không dùng.

"Sau năm 1975, một số nhà máy giấy, trong đó có giấy Tân Mai, nhập khẩu máy móc của châu Âu, châu Mỹ, nhưng sau này làm ăn thất bại, phải chuyển máy móc cho một số nhà máy ngoài Bắc. Chuyên gia ngạc nhiên vì Việt Nam có những loại máy tuyệt vời như vậy nhưng máy tuyệt vời cũng chỉ để đó, còn giấy Việt Nam vẫn thua xa giấy Trung Quốc. Tương tự, ngành gỗ, ngành nhựa Việt Nam cũng vậy khiến các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh.

Chúng ta cứ hô hào cái gì cũng tiên phong mà không biết thực trạng của mình hiện nay nằm ở đâu, như thế nào, vướng mắc ở vấn đề gì... Cơ chế quản lý doanh nghiệp, kinh tế đã kém nhưng những cái cơ bản như công nghệ, tổ chức sản xuất cho đâu ra đấy chúng ta cũng không làm được.

Nhìn rộng ra có thể thấy đó là kiểu làm ăn của doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần đạt sản lượng, đạt giá trị vượt kế hoạch là tốt, còn sức cạnh tranh, trình độ công nghệ thế nào không quan tâm. Chúng ta vẫn chưa có một thị trường đúng nghĩa, cạnh tranh đúng nghĩa nên doanh nghiệp đạt được thành tích nhất định rồi dừng lại, không vươn lên được.

Sau 30 năm hội nhập, Việt Nam đã đạt được thành công lớn, nhưng nhược điểm là chúng ta mới chỉ đạt về lượng, còn tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế lại rất yếu kém.

Trung Quốc mở cửa hội nhập, lập tức ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển vượt bậc, có ô tô xuất khẩu. Hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập về không chỉ để tiêu dùng mà cuối cùng họ lấy được công nghệ, sản xuất được hàng tiêu dùng vừa rẻ vừa tốt, thành công xưởng thế giới... khiến Mỹ phải lo ngại, ngăn chặn.

Trong khi đó Việt Nam mới tạo được chút công ăn việc làm, con số báo cáo thành tích đẹp và thậm chí là cả chút tiền vào túi cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó mà không thấy sức lan tỏa của hội nhập. Thiếu sót ấy chính là vì chính sách của nhà nước", ông Nam thẳng thắn.

Từ đây, ông đặt câu hỏi: Việt Nam cứ khuyến khích người dân dùng xăng E5 và cứ đổ tại người tiêu dùng khi xăng E5 tiêu thụ không được như mong muốn mà quên mất người làm ra sản phẩm thế nào, có đảm bảo chất lượng không?

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-giup-viet-nam-day-manh-su-dung-xang-e5-the-nao-3365614/