Mỹ giấu hợp đồng bí mật sau thương vụ bán tàu LCS nâng cấp cho Saudi Arabia?

Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia đã ký hợp đồng mua 4 khinh hạm đa năng MMSC dựa trên thiết kế tàu chiến ven bờ LCS-1 lớp Freedom của Mỹ với mức giá khó tin là 11,25 tỷ USD, dẫn tới nhận định đây chỉ là bề nổi của một thương vụ lớn được giấu phía sau.

 Tàu chiến ven bờ USS Freedom (LCS-1) được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông, chống lại mối đe dọa trên biển như tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng xuồng cao tốc.

Tàu chiến ven bờ USS Freedom (LCS-1) được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông, chống lại mối đe dọa trên biển như tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng xuồng cao tốc.

Tàu LCS-1 có chiều dài 115 m, chỗ rộng lớn nhất 17,5 m và có thể chở được thủ đoàn tiêu chuẩn 50 người hoặc có thể lên đến 98 người tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

Sàn đáp phía sau tàu LCS-1 được thiết kế lớn hơn 1,5 lần so với tàu chiến tiêu chuẩn, giúp nó tiếp nhận được 2 trực thăng đa năng MH-60 Seahawk hoặc trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Hệ thống điện tử của LCS-1 rất hiện đại bao gồm: radar tìm kiếm mục tiêu TRS-3D được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động ở ven bờ, hệ thống dữ liệu chiến đấu COMBATSS-21, hệ thống chiến tranh điện tử Argon ST WBR-2000 và bệ phóng mồi bẫy hồng ngoại Terma A/S SKWS.

Vũ khí của LCS-1 gồm pháo hạm Mk 110 57 mm có tầm bắn 14 km, nhịp bắn 220 phát/phút, 2 pháo bắn nhanh Mk 44 Bushmaster II cỡ 30 mm, bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe với 21 đạn có tầm bắn hiệu quả 9 km.

Nhờ động cơ turbine khí công suất lớn kết hợp với hệ thống đẩy phản lực nước ưu việt mà chiếc chiến hạm 4.000 tấn này đạt tới vận tốc siêu tưởng là trên 47 hải lý/h (82 km/h).

Thiết kế của chiếc LCS-1 chú trọng đến việc tiết giảm diện tích phản xạ radar và được cấu tạo bởi vật liệu composite đặc biệt cho khả năng tàng hình rất ưu việt.

Mặc dù hiện tại chỉ mang cấu hình vũ khí như một tàu tuần duyên nhưng phía Mỹ tuyên bố không gian trống trên tàu LCS-1 còn tới 40%, có thể dễ dàng tích hợp vũ khí để biến thành khinh hạm đa năng cực mạnh.

Nhận thấy sự ưu việt của phiên bản khinh hạm phát triển từ tàu chiến ven bờ lớp LCS-1 Freedom mà Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia đã quyết định sẽ mua 4 tàu loại này.

Hôm 29/10, lễ khởi công đóng mới tàu chiến đấu đa nhiệm vụ (MMSC) đầu tiên cho Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia đã được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Fincainini Marinette ở bang Wisconsin, Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã thông qua chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài để phê duyệt việc chế tạo 4 tàu MMSC cho Saudi Arabia. Đi kèm theo đó là các gói cung cấp các thiết bị, vũ khí, tên lửa và các dịch vụ hậu mãi.

Giá trị hợp đồng trên lên tới con số siêu tưởng là 11,25 tỷ USD, tức là mỗi chiếc khinh hạm đa năng với lượng giãn nước 4.000 tấn này có giá thành lên tới 2,8 tỷ USD, đắt hơn nhiều so với khu trục hạm Aegis Arleigh Burke gần 10.000 tấn.

Theo hợp đồng, chúng sẽ được bàn giao cho hải quân Saudi Arabia trong giai đoạn 2025 - 2028. Lễ cắt thép vừa diễn ra là cho con tàu đầu tiên, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất 2 chiếc khác vào năm 2020 và chiếc còn lại vào năm 2021.

Khinh hạm đa năng MMSC sẽ được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 với 8 ống phóng, tương thích tên lửa hạm đối không tầm trung RIM-162 ESSM.

Bên cạnh đó là bệ phóng tên lửa tầm ngắn SeaRAM bố trí trên nóc nhà chứa máy bay trực thăng, đi kèm 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, pháo chính BAE Systems Bofors cỡ 57 mm, trạm vũ khí điều khiển từ xa Nexter Narwhal 20 mm.

Hệ thống cảm biến của tàu bao gồm radar cảnh giới Hensoldt TRS-4D AESA, radar SAAB CEROS 200 2x và thiết bị ngắm bắn quang điện tử, hệ thống cảnh báo và hỗ trợ điện tử của Argon ST WBR-2000, cuối cùng là thiết bị định vị thủy âm (sonar) có độ sâu thay đổi.

Sàn đáp và hangar phía sau đuôi tàu tiếp nhận được 1 trực thăng hải quân đa dụng MH-60 Romeo, nó có thể đảm nhiệm nhiều vai trò từ tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, trinh sát, cho tới yểm trợ hỏa lực cho lính thủy đánh bộ.

Dễ nhận thấy mặc dù đã có sức mạnh vượt trội so với nguyên bản nhưng mức giá dành cho khinh hạm MMSC của Saudi Arabia vẫn quá vô lý, kể cả có đi kèm cơ sở hậu cần, đạn dược và phụ tùng đi chăng nữa.

Chính vì vậy có nhận định cho rằng hợp đồng trên thực chất chỉ là bề nổi nhằm che mắt truyền thông, phía sau còn có những thương vụ vũ khí bí mật khác không được công bố.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-giau-hop-dong-bi-mat-sau-thuong-vu-ban-tau-lcs-nang-cap-cho-saudi-arabia/831864.antd