"Các máy bay ném bom nói trên đến Syria để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sau đó chúng sẽ quay trở lại Nga", Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ chưa có ý định triển khai thường trực oanh tạc cơ siêu thanh tại nước Cộng hòa Ả Rập.
Tuy nhiên Mỹ có vẻ chưa tin tưởng lời giải thích từ Moskva, cần nhắc lại sự việc diễn ra hồi tháng 2, phương Tây tự hỏi "người Nga đang làm gì" khi họ phát hiện ra chiều dài đường băng của căn cứ không quân đã tăng lên đáng kể.
Cụ thể đường cất hạ cánh chính của sân bay Hmeimim đã tăng thêm 300 mét và hiện dài 3,2 km. Điều này sẽ mở rộng đáng kể khả năng của cơ sở quân sự được Moskva thuê từ Damascus trong thời hạn 49 năm.
Giờ đây máy bay Tu-142 chuyên chống tàu ngầm, những chiếc Tu-22M3 nói trên, cũng như các máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa bao gồm Tu-95MS và Tu-160 đã có thể hạ cánh xuống sân bay Hmeimim.
Nhiều khả năng trong tương lai, các máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ đóng quân thường trực tại Syria, điều này giúp họ giải quyết nhiệm vụ quân sự chiến lược ở khu vực Trung Đông một cách nhanh chóng hơn.
Trước đó Nga từng có ý định thuê căn cứ không quân trên đất Iran làm nơi bố trí oanh tạc cơ như Tu-22M3, tuy vậy Tehran đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Moskva, dẫn tới việc Nga phải mở rộng sân bay Hmeimim.
Trong khi Nga mở rộng căn cứ không quân Hmeimim thì ở chiều ngược lại, Quân đội Mỹ tiếp tục củng cố vững chắc địa bàn mà họ kiểm soát tại khu vực Đông Bắc Syria nhằm hỗ trợ đồng minh người Kurd.
Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ mới đây đã điều một lượng lớn thiết bị quân sự từ Iraq đến khu vực Đông Bắc Syria, chúng đi qua đường biên giới Alwaleed đang do họ kiểm soát.
Cụ thể vào ngày 23/5, một đoàn quân xa gồm 86 xe tải và nhiều xe bọc thép chở quân đã tiến từ lãnh thổ của người Kurdistan thuộc Iraq về phía tỉnh Hasake. Các phương tiện sau đó tiếp tục di chuyển về phía căn cứ quân sự Kharab al-Jir ở vùng Yarubiya, phía Đông Bắc Cộng hòa Ả Rập.
Theo ghi nhận từ thực địa, những xe tải đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển thiết bị hậu cần, trong khi đó đội xe bồn cỡ lớn giữ vai trò trung chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Syria tới Iraq.
Trước tình hình trên, chính quyền Damascus cáo buộc Washington tiếp tục chính sách cướp bóc tài nguyên và khai thác trái phép dầu khí từ khu vực Đông Bắc của họ nhằm hỗ trợ lực lượng vũ trang nổi dậy cũng như trang trải kinh phí của chính Quân đội Mỹ.
Được biết trong những tháng gần đây, Mỹ tiếp tục điều hàng nghìn xe tải chở đầy vũ khí và trang thiết bị quân sự từ miền Bắc Iraq tới Syria. Ngoài ra còn có nhiều xe tải chở lúa mì di chuyển từ Syria đến Iraq qua cửa khẩu Semalka.
Những hoạt động trên được thực hiện bởi Quân đội Mỹ và "Lực lượng Dân chủ Syria - SDF" đã bị lên án kịch liệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn do chiến tranh gây ra và bất ổn chính trị nội bộ ở Cộng hòa Ả Rập vẫn chưa được giải quyết.
Hiện tại Damascus vẫn chưa có phương pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng chiếm đóng của Quân đội Mỹ, bởi đồng minh số một của họ là Quân đội Nga vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc tại vùng Đông Bắc.
Bạch Dương