Mỹ giám sát đập Trung Quốc trên sông Mekong: Kỳ vọng gì?

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, động thái của Mỹ mang tính chất cảnh báo nhiều hơn và làm tăng thêm sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ở Mekong.

Dự án Giám sát đập Mekong được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần đã được khởi động vào ngày 14/12. Dự án này sẽ sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh có khả năng chụp ảnh xuyên tầng mây để theo dõi mực nước của các con đập ở Trung Quốc và các nước khác.

Trong khuôn khổ dự án, tất cả thông tin về dòng chảy, mực nước của các đập thủy điện Trung Quốc cùng các nước khác sẽ được công bố công khai theo thời gian gần sát với thực tế.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ (Hội Tưới Tiêu Việt Nam) cho biết, việc sử dụng vệ tinh để theo dõi mực nước của các đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng Mekong đã được Mỹ thực hiện cách đây vài năm. Từ đó đến nay, tác động của việc này chưa có gì nhiều.

Hồi tháng 4 năm nay, một nghiên cứu của Công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) được công bố, trong đó nêu rõ các con đập của Trung Quốc tại sông Mekong đã giữ lại một lượng nước lớn trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng tại các nước hạ nguồn vào năm ngoái. Chính quyền Trung Quốc đương nhiên đã bác bỏ nghiên cứu này.

Với dự án Giám sát đập Mekong vừa được Mỹ khởi động, ông Tứ đánh giá nó mang tính chất cảnh báo đối với Trung Quốc nhiều hơn và làm gia tăng thêm sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ở sông Mekong.

Khúc sông Mekong giáp biên giới Thái Lan và Lào. Ảnh: Reuters

Khúc sông Mekong giáp biên giới Thái Lan và Lào. Ảnh: Reuters

Nhắc đến vấn đề hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ở hạ du sông Mekong từ trước đến nay, đặc biệt là việc thông tin về vận hành hệ thống hồ chứa của Trung Quốc trong mùa lũ cũng như mùa khô, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng đây vẫn là một câu chuyện hết sức khó khăn bởi "không ai tự dưng đem chuyện nhà mình đi nói với người khác".

Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy ban sông Mekong (MRC) - gồm 4 nước thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc và các nước Mekong cũng đã xây dựng cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong, nhưng dù có như vậy thì theo vị chuyên gia, thực tế đã chứng minh chuyện cung cấp, chia sẻ thông tin chỉ có tính chất tượng trưng mà thôi.

"Hợp tác Lan Thương-Mekong có nội dung hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực, dựa trên 3 trụ cột là an ninh, kinh tế và môi trường, trong đó có an ninh nguồn nước. Điểm tích cực của cơ chế này là khi có vấn đề gì, 6 quốc gia có thể ngồi lại với nhau để bàn bạc. Trên diễn đàn, các bên đều đồng ý hợp tác cung cấp thông tin nhưng vấn đề là cung cấp thông tin như thế nào.

Về nguyên tắc, đã cùng tham gia một tổ chức thì các thành viên phải thống nhất với nhau thì mới hợp tác được. Mà vấn đề này lại bị chi phối bởi lợi ích mỗi quốc gia, đặc biệt là lợi ích kinh tế, và cả mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

Vì lẽ đó, tác động của sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Mekong cũng chỉ ở mức độ nhất định, không có chuyện minh bạch 100%", PGS.TS Đào Trọng Tứ nhận xét và cho rằng khó kỳ vọng được gì nhiều vào dự án Giám sát sông Mekong vừa được Mỹ khởi động. Khi Mỹ nắm được thông tin về việc vận hành các hồ chứa của Trung Quốc trên sông Mekong thì các quốc gia ở hạ du cũng có thể biết được, nhưng cuối cùng sẽ ra sao?

Nhắc lại ý nghĩa của dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần, đặc biệt là sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực sông Mekong, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh quan điểm các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong phải tiếp tục đấu tranh để hợp tác.

"Dần dần, trong tương lai, khi công nghệ kỹ thuật hiện đại, các quốc gia ở hạ du sông Mekong, trong đó có Việt Nam cũng có thể giải bài toán này, có thể theo dõi quy trình vận hành của các con đập ở thượng nguồn sông Mekong để từ đó thực hiện công tác dự báo, ứng phó tốt hơn. Tuy nhiên, bây giờ đây vẫn là một câu chuyện khó", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/my-giam-sat-dap-trung-quoc-tren-song-mekong-ky-vong-gi-3424377/