Mỹ gia tăng sức mạnh quân sự ở châu Phi

Mới đây, tờ The Intercept của Mỹ tiết lộ rằng, mặc dù Washington khẳng định muốn giảm quân số ở 'lục địa đen', nhưng quân đội Mỹ vẫn có tới 34 căn cứ và tiền đồn ở châu Phi. Điều này cho thấy châu Phi vẫn có vị trí quan trọng trên 'bàn cờ' an ninh của Mỹ.

34 cơ sở quân sự Mỹ tại châu Phi

Theo tờ The Intercept, trung tuần tháng 11-2018, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Candice Tresch cho biết, số binh lính Mỹ đóng tại châu Phi sẽ giảm khoảng 10% trong những năm tới. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản quân đội Mỹ triển khai một mạng lưới đồ sộ tại châu lục này. Hiện nay, quân đội Mỹ có 34 cơ sở, trong đó có 14 căn cứ quân sự và 20 tiền đồn, với tổng cộng khoảng 7.200 quân nhân ở châu Phi. Mục đích triển khai nhiều căn cứ ở đây chủ yếu nhằm đối phó với những mối đe dọa nhắm vào các lợi ích an ninh của Mỹ. Việc phân bổ các căn cứ quân sự cho thấy lực lượng Mỹ được triển khai quanh 3 khu vực chống khủng bố ở châu Phi, gồm: Vùng Sừng châu Phi (Somalia, Djibouti, Kenya), Libya và vùng Sahel (Camerun, Tchad, Niger, Mali, Burkina Faso). Các khu vực này đang là “con mồi” trong những vụ tấn công của các nhóm khủng bố, như nhóm Shebab ở Somalia, tổ chức Al-Qaeda ở Libya và vùng Sahel, hay nhóm Boko Haram. “Điều này giải thích tại sao Mỹ vẫn duy trì được áp lực nhắm vào các tổ chức khủng bố trong những khu vực nói trên”, The Intercept nhấn mạnh.

Sơ đồ triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Phi. Ảnh: The Intercept.

Ông Adam Moore, Giáo sư tại Đại học California, Los Angeles, chuyên gia về quân đội Mỹ của The Intercept, nhận định việc tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ ở châu Phi thể hiện qua việc triển khai hoạt động các loại máy bay không người lái. Trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã thiết lập ở Djibouti một khu tổ hợp về máy bay không người lái có thể nói là lớn nhất trên thế giới. Doanh trại này chứa các máy bay không người lái hoạt động ở Yemen và Somalia, tiếp nhận tới 4.000 quân nhân của Mỹ và các nước đồng minh. Dự kiến, Washington sẽ xây dựng thêm một căn cứ lớn dành cho máy bay không người lái ở Niger với chi phí xây dựng lên tới 100 triệu USD.

Việc sử dụng máy bay không người lái là một phần của chiến lược chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel. Washington triển khai hoạt động quân sự thông qua việc hỗ trợ logistics cho các đồng minh của Mỹ trong những khu vực nói trên, đồng thời các máy bay không người lái cho phép cung cấp thông tin tình báo để giúp đỡ các quốc gia đồng minh tìm kiếm và vô hiệu hóa những mục tiêu trong khi Mỹ lại hạn chế được việc phải triển khai các lực lượng đặc biệt.

Cuộc đua giành ảnh hưởng

Việc Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo sẽ giảm quân số ở châu Phi nhưng trên thực tế vẫn duy trì sức mạnh quân sự tại lục địa này đều có lý do của nó. Nhiều chuyên gia cho rằng, Washington đang tụt hậu so với Trung Quốc ở châu Phi, nơi Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường lợi ích an ninh. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở Djibouti, cách một căn cứ quan trọng của Mỹ không xa.

Trong khi đó, Nga cũng có nhiều động thái để vun đắp mối quan hệ với các nước châu Phi. Vào tháng 9-2018, Moscow đã công bố thỏa thuận xây dựng một căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ và các công ty Nga đã giành được các thỏa thuận khoáng sản ở Sudan. Nga cũng gia tăng sự hiện diện của mình ở Cộng hòa Trung Phi bằng việc cử các cố vấn quân sự và dân sự tới đây giúp đào tạo lực lượng an ninh của chính phủ Cộng hòa Trung Phi.

Do vậy, mặc dù Washington nhấn mạnh rằng 34 căn cứ quân sự chỉ được triển khai tạm thời ở châu Phi và có sự bảo trợ của các nước sở tại, nhưng trên thực tế, sức mạnh của quân đội Mỹ vẫn tiếp tục được nâng cao. “Điển hình như đơn vị không quân của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi (Air Forces Africa) đang tham gia vào gần 30 dự án ở 4 nước châu Phi”, The Intercept cho biết thêm.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-gia-tang-suc-manh-quan-su-o-chau-phi-558029