Mỹ gây sức ép buộc SMIC phải giảm tiến trình 7 nanomet?

Bộ Thương mại Mỹ một lần nữa gia tăng các biện pháp trừng phạt với SMIC và đưa công ty này vào danh sách thực thể.

Được đưa vào danh sách thực thể (Entity List, danh sách các doanh nghiệp được xác định liên quan đến quân đội) có nghĩa là các công ty Mỹ không thể cung cấp công nghệ và sản phẩm cho SMIC mà không có sự cho phép của Bộ Thương mại.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đặc biệt chỉ ra trong lệnh cấm, một số công nghệ và thiết bị cần thiết để sản xuất chip bán dẫn từ 10 nanomet trở xuống sẽ bị từ chối xuất khẩu trực tiếp, nhằm ngăn chặn những công nghệ quan trọng đó được sử dụng trong quá trình hội nhập quân sự-dân sự của Trung Quốc.

SMIC là công ty đúc chip lớn nhất ở Trung Quốc đại lục, và đây cũng là xưởng đúc duy nhất ở Trung Quốc hiện đang phát triển các tiến trình 7 nanomet. Tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh hiện tại, cũng như nghiên cứu và phát triển trong tương lai của hãng là điều đang nhận được sự chú ý.

Nhiều chuyên gia nhận định, tác động lớn nhất của động thái này đối với SMIC là sự phát triển của các tiến trình sản xuất tiên tiến, điều này ít ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có tiến trình trưởng thành. Ngoài ra, do SMIC có một tỷ lệ nhỏ các sản phẩm tiến trình dưới 14 nanomet nên tác động đến doanh thu là hạn chế.

Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2020 của SMIC, doanh thu chính của công ty đến từ các tiến trình 0,15/0,18 micron, 55/65 nanomet và 40/45 nanomet, với tiến trình 14/28 nanomet chỉ chiếm 14,6%.

Về mặt hàng tiêu dùng, hầu hết các nhà cung cấp đến từ Nhật Bản và Đài Loan, và các xưởng đúc đã trưởng thành, sẽ có nhà cung cấp bên thứ ba để giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thực tế, một số khách hàng hiện tại của SMIC tỏ ra không quá lo ngại về sự việc. Phó chủ tịch của một công ty thiết kế chip cũng cho biết, dù đang hợp tác sản xuất với SMIC, nhưng ông không lo lắng rằng hoạt động kinh doanh của SMIC sẽ bị đình chỉ vì hai lý do:

Thứ nhất, vì Bộ Thương mại Mỹ hạn chế rõ ràng các công nghệ và thiết bị dưới 10 nanomet, có nghĩa là thiết bị và công nghệ cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn trên 10 nanomet, các công ty Mỹ vẫn có cơ hội tiếp tục cung cấp những mặt hàng khác cho SMIC.

Thứ hai, công ty chip Qualcomm của Mỹ vẫn đang khá phụ thuộc SMIC. Theo ước tính của ông, 60% chip năng lượng của Qualcomm xuất phát từ SMIC. Nếu SMIC bị đình chỉ, lô hàng chip điện thoại di động 5nm mới nhất của Qualcomm trước mắt cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Tôi tin rằng Qualcomm cũng sẽ tích cực xúc tiến việc cấp phép phân phối”, ông nói.

Mặt khác, các hạn chế của SMIC thực sự sẽ làm trầm trọng thêm năng lực sản xuất chip hiện tại. Tác động trực tiếp nhất từ lệnh trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ là nghiên cứu và phát triển tiến trình của SMIC. Hiện tại, quy trình của SMIC đã nâng cao lên N+1 (từ 10nm đến 7nm) và dự kiến sẽ đạt được sản xuất hàng loạt N+2 vào năm 2022.

Tất nhiên, những hạn chế mà SMIC phải đối mặt là có. Chẳng hạn như các máy in thạch bản EUV hiện tại được cung cấp bởi ASML (Hà Lan) nhưng hầu hết các bộ phận và công nghệ trong máy in thạch bản như vật liệu, linh kiện, EDA đều đến từ Mỹ và sẽ bị từ chối xuất khẩu. Nếu SMIC vẫn tiếp tục sản xuất chip 7nm, chi phí sẽ tăng lên lên khá nhiều và hiệu suất không thể cạnh tranh với TSMC.

Hiện tại, SMIC vẫn chưa phản hồi công khai về lệnh cấm của Mỹ.

Phong Vũ

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/my-gay-suc-ep-buoc-smic-phai-giam-tien-trinh-7-nanomet-272808.html