Mỹ gây sức ép, Afghanistan vẫn mua máy bay Nga

Chính quyền Kabul vừa tuyên bố rằng, mặc dù Mỹ đã cam kết sẽ cung cấp nhưng Quân đội nước này sẽ không từ chối các máy bay trực thăng Nga.

Afghanistan vẫn sẽ mua vũ khí Nga

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ lực lượng vũ trang Afghanistan, hôm 18/11, Quân đội Mỹ đã chuyển giao cho nước này hai chiếc trực thăng Black Hawk - theo kênh truyền hình Tolo News đưa tin.

Trước đó, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani tuyên bố rằng Kabul có kế hoạch đổi mới trang bị của Không quân và Lục quân.

Theo những dữ liệu khác nhau, các đối tác phương Tây của chính quyền Kabul (trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ) sẽ phân bổ từ 6 đến 7 tỷ USD cho mục đích này. Ông Ghani lưu ý rằng sự gia tăng hỗ trợ tài chính được dự trù trong chiến lược mới của Hoa Kỳ về Afghanistan.

Kênh truyền hình này đưa tin, Hoa Kỳ cam kết sẽ cung cấp cho Afghanistan tổng cộng 150 trực thăng Black Hawk. Chính quyền Kabul đã nhận lô trực thăng đầu tiên hồi đầu tháng 10, những chiếc còn lại sẽ chuyển đến Afghanistan trong thời gian ngắn tới.

Sau đó, vào đầu tháng 11, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Tariq Shah Bahrami tuyên bố với các phóng viên rằng, quân đội Afghanistan không cần đến trực thăng Nga nữa vì đã nhận được các trực thăng từ “một nước thành viên lớn nhất của NATO”.

Tuy nhiên, vào ngày 24/11, cố vấn cho Tổng thống Afghanistan về an ninh quốc gia là ông Mohammad Atmar nói với các phóng viên rằng, chính quyền Kabul sẽ không hoàn toàn từ chối các trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất, nước này sẽ sử dụng thiết bị quân sự của cả Mỹ và Nga, sự hợp tác với bên này không mâu thuẫn với bên kia.

"Về các máy bay trực thăng Mi-17, chính sách của Afghanistan là sẽ duy trì các trực thăng Nga; đồng thời chúng tôi cũng sẽ duy trì hệ thống kép, tức là mua cả các trực thăng Mỹ nhằm nỗ lực đấu tranh chống khủng bố, dựa vào sự hỗ trợ kỹ thuật của cả Nga và Mỹ" - ông Atmar nói.

"Tôi nghĩ rằng hệ thống kép như vậy là tối ưu cho Afghanistan. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với giữa các bên với Afghanistan sẽ được phục hồi và xóa bỏ những căng thẳng. Nó phụ thuộc vào tất cả các bên, tất cả cần làm việc một cách xây dựng. Chúng ta có kẻ thù chung và thách thức chung, mà nếu nỗ lực đơn độc của mỗi chúng ta sẽ không thể chiến thắng" - vị cố vấn tổng thống nói.

Theo giới chuyên gia, Afghanistan không cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn các trực thăng Nga là điều tốt, bởi từ lâu các máy bay Nga đã được phi công nước này ưa dùng và sử dụng rất thành thạo.

Các phi công Afghanistan khẳng định họ chỉ muốn lái máy bay Nga và cũng chỉ có trực thăng Nga mới phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nước này, hiệu quả vận tải-chiến đấu rất cao, lại vừa dễ điều khiển là thuận tiện cho bảo dưỡng, sửa chữa.

Phi công Afghanistan thích dùng trực thăng của Nga hơn là của Mỹ

Phi công Afghanistan thích dùng trực thăng của Nga hơn là của Mỹ

Mỹ không ép được Afghanistan bỏ vũ khí Nga

Việc giới chức lãnh đạo quân đội Afghanistan tuyên bố sẽ sử dụng các trang bị-vũ khí của Nga là điều không mới. Trước đây, nước này đã từng mua sắm rất nhiều vũ khí Liên Xô/Nga, thậm chí họ còn ép cả Mỹ phải mua trang bị của Nga để cung cấp cho mình.

Tướng Khodadad, người đứng đầu cơ quan Thanh tra của lực lượng vũ trang Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan (IRA) cho rằng, cho đến nay, các máy bay mà Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan đều có nhược điểm là đã quá cũ và không đáp ứng được các yêu cầu quân sự của thế kỷ 21.

Tướng Khodadad nhấn mạnh rằng, phần lớn phi công và chuyên gia kỹ thuật của Không quân Afghanistan đã từng phục vụ hoặc được học tập, huấn luyện ở Nga, các máy bay Nga lại rất mới nên đối với nước này, tất cả các thiết bị quân sự của Nga là có lợi thế.

Trước đây, Afghanistan đã từng từ chối nhận trực thăng vận tải hạng nặng Chinook của Mỹ và “ép” Washington phải mua hơn 60 chiếc máy bay trực thăng vận tải Mi-17 của Nga vì các phi công “thích dùng trực thăng của Nga”, do nó hiệu quả hơn trên chiến trường nước họ.

Những hợp đồng mua máy bay Nga là chủ đề tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng, Lầu Năm Góc với quốc hội Hoa Kỳ. Nghị viện nước này cho rằng, hành động mua máy bay trực thăng Mi-17 Nga cho Afghanistan khác nào hành động đầu tư cho "kẻ thù tiềm năng".

Do đó, kể từ năm 2016, Mỹ đã cương quyết không chi tiền cho Afghanistan mua tiếp trực thăng vận tải của Nga, mà quyết định cung cấp máy bay trực thăng Sikorsky UH-60A Black Hawk cũ, đã loại biên cho nước này.

Lầu Năm Góc sẽ rút khỏi hệ trang bị của quân đội Mỹ 53 máy bay trực thăng UH-60 và nâng cấp chúng để giao cho quân đội Afghanistan. Những chiếc UH-60 bị loại biên vẫn có thể sử dụng được hàng chục năm nữa, đây là nguồn cung "không tồi" cho quân đội Afghanistan.

Ngoài ra, vào tháng 6/2016, Quốc hội Mỹ cũng ban hành lệnh cấm chính phủ Afghanistan không được dùng ngân sách viện trợ quân sự của Mỹ để mua máy bay trực thăng Mi-35 của Nga, buộc Kabul phải tạm dừng kế hoạch này để tìm nguồn kinh phí mua sắm trực thăng Nga.

Do đó, Afghanistan đã phải tạm dừng mua máy bay trực thăng Mi-17 và Mi-35, cùng với các máy bay chiến đấu của Nga, bởi Mỹ cấm dùng tiền viện trợ thì chính quyền Kabul không có cách nào để xoay xở.

Việc Afghanistan tuyên bố sẽ tiếp tục mua máy bay của Nga cũng có nghĩa là họ có thể đã tìm được nguồn tiền để chi cho các thương vụ này.

Giới chuyên gia cho rằng, rất có thể Nga sẽ cung cấp cho nước này một gói viện trợ quân sự; hoặc có thể là Afghanistan sẽ tìm cách mua máy bay Nga thông qua trung gian là một nước thứ 3 để “lách luật”, sử dụng tiền viện trợ của Mỹ, giống như hồi tháng 12/2015, Afghanistan đã nhận 4 chiếc máy bay trực thăng tấn công Mi-25 (một biến thể của Mi-24 Hind) từ Ấn Độ.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-gay-suc-ep-afghanistan-van-mua-may-bay-nga-3347777/