Mỹ gây áp lực 'tâm lý' lên Iran trong ngày bầu cử Quốc hội

Ngay trước tổng tuyển cử tại Iran, Mỹ quyết định đưa 5 quan chức Cộng hòa Hồi giáo vào danh sách đen, với cáo buộc cản trở bầu cử tự do và công bằng.

Ngày 21/2, gần 58 triệu cử tri đủ tư cách ở khắp các tỉnh, thành phố của Iran thực hiện quyền công dân của mình khi tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa 11, để bầu ra 290 thành viên mới, với nhiệm kỳ 4 năm.

Cờ Mỹ và cờ Iran. Ảnh: Shutterstock

Cờ Mỹ và cờ Iran. Ảnh: Shutterstock

Tại cuộc bầu cử lần này, có hơn 7.000 ứng cử viên sẽ tranh cử vào Quốc hội Iran gồm 290 ghế. Theo luật định, người thắng cử phải giành được ít nhất 20% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn còn ghế quốc hội chưa được xác định do các ứng cử viên không hội đủ số phiếu cần thiết để có thể trúng cử, cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Quá trình kiểm phiếu sẽ được tiến hành bằng phương pháp thủ công nên kết quả chính thức cuối cùng khó có thể công bố sớm.

Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, và những căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn liên tục leo thang, vốn đã có lúc tưởng chừng đã tiệm cận một cuộc đối đầu quân sự thực sự. Hiện đời sống của người dân Iran được cho là ngày càng khó khăn, vật giá, đặc biệt là giá nhiên liệu, tăng cao bởi chính sách cắt giảm trợ cấp của chính phủ. Đây được xem là yếu tố chính khiến nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra và lan rộng tại quốc gia này hồi tháng 11/2019.

Trong bối cảnh như vậy, chuyên gia phân tích chính trị Foad Izadi cho rằng, tỷ lệ cử tri năm nay đi bầu tại Iran sẽ không cao như các năm trước.

“Như các bạn đã biết, tỷ lệ cử tri đi bầu trung bình trong 40 năm qua trong cuộc bầu cử quốc hội ở Iran là khoảng 60%. Tuy nhiên, con số này năm nay sẽ ít hơn mong đợi bởi một bộ phận người dân Iran đã mất dần hi vọng do chịu nhiều áp lực vì các lệnh trừng phạt kinh tế. Tôi nghĩ, năm nay con số đi bầu sẽ không phải là 60%, nó sẽ ít hơn”, ông Izadi nói.

Tuy nhiên, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamemei đã kêu gọi cử tri Iran hôm nay thực hiện quyền công dân của mình, đi bỏ phiếu đầy đủ; đồng thời nhấn mạnh đây là còn một “nghĩa vụ tôn giáo”.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iran lần này cũng được đánh giá là “phép thử” đối với Tổng thống Rouhani, bởi kết quả bầu cử sẽ báo hiệu triển vọng chính trị của nhà lãnh đạo này khi năm tới Iran sẽ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống. Nếu cơ quan lập pháp tối cao của Iran nhiệm kỳ tới do những nghị sĩ thuộc phe bảo thủ và cứng rắn chiếm đa số, ông Rouhani sẽ phải chịu nhiều sức ép. Mọi quyết sách của nhà lãnh đạo theo đường lối cởi mở và ôn hòa này sẽ gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, dù kết quả bầu cử ra sao, thì chính sách đối ngoại và hạt nhân của Iran nhiều khả năng sẽ không thay đổi đáng kể, bởi lâu nay Đại giáo chủ Ali Khamenei được cho vẫn là người nắm quyền lực tối cao ở Iran, là nhân vật có “tiếng nói cuối cùng” trong mọi vấn đề hệ trọng của đất nước.

Một ngày trước khi Iran bước vào cuộc bầu cử Quốc hội, Chính phủ Mỹ ngày 20/2 đã có bước đi gây áp lực tâm lý lên quốc gia này khi quyết định đưa 5 quan chức nước Cộng hòa Hồi giáo vào danh sách đen, với cáo buộc cản trở các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này áp đặt trừng phạt đối với các quan chức, thành viên của Hội đồng giám hộ Iran và Ủy ban giám sát bầu cử vì vai trò của những người này trong việc loại bỏ hàng nghìn ứng cử viên.

Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook cho biết: “Tôi tuyên bố rằng, Mỹ sẽ trừng phạt 5 quan chức cấp cao Iran theo điều 13876. Năm quan chức bị trừng phạt hôm nay đã từ chối cuộc bầu cử quốc hội tự do và công bằng của người dân Iran.”

Trong số này có Thư ký Hội đồng giám hộ Ahmat Jannati và ông Mohamad Yazdi, một thành viên của Hội đồng giám hộ và từng là Chánh án tư pháp đầu tiên tại Iran cùng ba thành viên khác của Ủy ban Giám sát Bầu cử.

Lệnh trừng phạt yêu cầu đóng băng tất cả tài sản của những quan chức này tại Mỹ và cấm người Mỹ làm ăn với họ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, nước này sẽ không dung thứ cho các hành vi thao túng bầu cử.

Cũng cùng thời điểm Iran tiến hành bầu cử quốc hội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 20/1 đã tới thăm Saudi Arabia – đồng minh của Mỹ, song là đối thủ của Iran trong khu vực, để thảo luận về các bước đi tiếp theo trong việc chống lại các mối đe dọa từ Iran./.

Đình Nam/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-gay-ap-luc-tam-ly-len-iran-trong-ngay-bau-cu-quoc-hoi-1013084.vov