Mỹ gặp khó trong cuộc đối đầu S-400 với đồng minh

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rơi vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' trong việc xử lý mâu thuẫn với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề S-400.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng tìm kiếm một phương pháp tiếp cận mới đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bởi Washington tin rằng nếu tiếp tục gây sức ép với ông Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ mua tên lửa S-400 của Nga cũng như vì chiến dịch quân sự của Ankara ở Syria thì điều này có thể đẩy đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ đến ngày càng gần hơn với Nga, tờ Thời báo Phố Wall dẫn các nguồn tin ở Mỹ cho hay.

Tuy nhiên, bất chấp nỗi lo ngại trên, Mỹ vẫn có ý định tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, các nguồn tin trên tiết lộ với báo chí, giải thích rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải “đối diện với những nghị sĩ giận dữ” - những người gần đây đã thông qua dự luật vạch ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi không muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó sẽ phải xảy ra.... Điều này sẽ làm tổn thương Thổ Nhĩ Kỳ”, một nguồn tin giấu tên trong chính quyền Mỹ đã phát biểu như vậy.

Tiết lộ trên được đưa ra sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vừa thông qua một dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm 2020, trong đó tiếp tục gia hạn lệnh cấm chuyển giao chiến đấu cơ F-35 cho Ankara.

Tất cả những bước đi trên hầu hết đều liên quan trực tiếp đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp mọi lời cảnh báo và đe dọa của phía Washington. Mỹ nói rằng, các hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và gây ra mối đe dọa đối với các công nghệ bí mật chứa trong chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ.

Ankara đã chọn mua các hệ thống S-400 của Nga sau khi Mỹ chần chừ không chịu bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara miêu tả hệ thống S-400 của Nga là vũ khí vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và từ chối hủy bỏ nó theo yêu cầu của Washington. Tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một nhóm làm việc chung để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề nhưng đến thời điểm này hai bên vẫn chưa thể hóa giải được những bất đồng và tiếp tục tung vào nhau những lời cảnh báo, đe dọa.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo Mỹ không được tung ra các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào họ nếu không muốn nước này đóng cửa hai căn cứ quân sự mà Mxy đang sử dụng trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với những diễn biến như trên, có thể thấy quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một xấu đi về vấn đề S-400.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201912/my-gap-kho-trong-cuoc-doi-dau-s-400-voi-dong-minh-45c6e03/