Mỹ gặp doanh nghiệp bàn chuyện cấm Huawei

Nhà Trắng sẽ họp các hãng công nghệ và linh kiện bán dẫn Mỹ để thảo luận về các cấm hàng công nghệ Huawei.

Reuters đưa tin, giới chức Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow sẽ tổ chức một cuộc họp tại Nhà Trắng với sự tham dự của lãnh đạo các hãng công nghệ và linh kiện bán dẫn Mỹ nhằm thảo luận về lệnh cấm tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.

Mỹ sẽ phải xem xét lại lệnh cấm Huawei vì ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Mỹ sẽ phải xem xét lại lệnh cấm Huawei vì ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Các nguồn tin tiết lộ với tờ báo này cho biết, các tập đoàn công nghệ của Mỹ được mời tham dự cuộc họp gồm Intel Corp, Micron Technology Inc, Qualcomm Inc và Broadcom Inc. Microsoft Corp.

Đây là các ông lớn công nghệ tại Mỹ và cũng là những đối tác lớn của Huawei. Lệnh cấm của Mỹ đối với tất cả các sản phẩm Huawei vì nghi ngờ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ đã khiến cho tất cả các nhà sản xuất Mỹ bị ảnh hưởng.

Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ trước đó đã vận động hành lang rất tích cực nhằm hối thúc chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm với Huawei. Họ cho rằng, Chính phủ Mỹ nên nâng khả năng đảm bảo an ninh của mình theo cách không gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo đánh giá, hiện các hãng chip Hàn Quốc đang thống trị ngành công nghiệp chip nhớ với mức thị phần xuất khẩu 68% trên toàn cầu. Nếu các hãng chip Mỹ như Micron Technology, Intel và Western Digital bị gạt khỏi thị trường Trung Quốc, họ sẽ mất thị phần trực tiếp ở đây.

Ở lĩnh vực chip mạch tích hợp, tức những linh kiện đơn giản hơn để chuyển âm thanh hay sóng vô tuyến thành tín hiệu số, Mỹ chiếm 65% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, các hãng chip Nhật Bản và châu Âu cũng có những sản phẩm chip mạch tích hợp thay thế khả thi mà khách hàng Trung Quốc có thể mua.

Điều này đồng nghĩa chính quyền Tổng thống Trump phải xác định cụ thể những công nghệ quan trọng mà Huawei không được phép tiếp cận là gì và những thành phần hợp tác nào mà Mỹ có thể tham gia hợp tác với Trung Quốc mà không bị ảnh hưởng tới chính sách.

Hiệp hội Ngành Công nghiệp Bán dẫn (SIA), một nghiệp đoàn thương mại đại diện cho các hãng chip như Intel, Broadcom và Qualcomm, đã giải thích với chính quyền Trump rằng những lệnh trừng phạt chống lại Huawei sẽ khiến họ trở thành đối tác không đáng tin cậy, qua đó đặt họ vào thế bất lợi trên thị trường toàn cầu.

Trong thư gửi các quan chức thương mại Mỹ, SIA cho rằng động thái đưa Huawei vào "danh sách đen" có nguy cơ ngăn các thành viên SIA tiếp cận thị trường lớn nhất của họ, cũng như gây tổn thương cho khả năng đầu tư. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, Huawei vẫn có thể mua linh kiện từ những nơi khác.

"Các hạn chế quá rộng không chỉ kìm hãm khả năng của các công ty bán dẫn Mỹ tiến hành hoạt động kinh doanh trên thế giới mà còn khiến họ bị xem như những công ty rủi ro và không đáng tin cậy, đe dọa đến sự thành công của ngành công nghiệp này, từ đó, tác động trở lại an ninh quốc gia", lá thư của SIA có đoạn.

SIA đề nghị chính phủ Mỹ nên xem xét các yếu tố bất lợi kể trên khi thẩm định đơn xin giấy phép xuất khẩu của các công ty công nghệ Mỹ.

Rõ ràng, những lập luận SIA đưa ra dường như đã thuyết phục được Tổng thống Trump.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho hay các công ty Mỹ có thể nộp đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu, trong đó phải giải thích tầm quan trọng của các thiết bị xuất khẩu đối với những mối quan hệ kinh doanh của họ. Nếu lý do xin cấp giấy phép dựa trên thực tế cụ thể và có thể chứng minh được, các quyết định cấp giấy phép sẽ được ban ra, ngược lại, nếu thiếu những dữ liệu như trên, Bộ Thương mại Mỹ không thể cấp phép.

Đầu tháng 7, Giám đốc Văn phòng Chính sách Sản xuất và Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho hay sự tham gia của Huawei trong mạng lưới 5G trên toàn cầu vẫn là vấn đề an ninh quốc gia, nhưng việc bán "một lượng nhỏ các con chip cấp thấp" không phải là điều xấu nếu việc này giúp thuyết phục Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán thương mại.

"5G là vấn đề khổng lồ nhưng bán một vài con chip cho Huawei thì không... Những con chip bán cho Huawei có giá trị chưa đến một tỷ USD mỗi năm trong ngắn hạn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt trong các tính toán lớn hơn" - ông Navarro nhấn mạnh, nhưng lưu ý chính sách của Mỹ với Huawei vẫn không thay đổi.

Reuters cho biết, trong số 70 tỷ USD mà Huawei đã chi cho việc mua linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỷ USD trong số đó được chuyển tới các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron Technology.

Hiện tại, các công ty Mỹ có thể bán sản phẩm để duy trì mạng lưới hiện có cũng như cập nhập phần mềm cho các thiết bị của Huawei. Một vài nhà sản xuất không cần lệnh cấp phép để bán hàng cho Huawei bởi sản phẩm của họ được sản xuất ở nước ngoài và sử dụng rất ít linh kiện Mỹ.

Tuy vậy, việc lọt vào danh sách đen khiến các doanh nghiệp Mỹ không thể bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới nhất do họ sản xuất cho thị trường tỷ dân.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-gap-doanh-nghiep-ban-chuyen-cam-huawei-3384133/