Mỹ - EU trả đũa thuế vì trợ cấp cho Boeing và Airbus

Từ hôm nay (8/10), Mỹ bắt đầu áp các mức thuế từ 10 - 25% với một loạt các sản phẩm từ châu Âu như: máy bay Airbus, rượu vang Pháp, rượu whisky...

Cụ thể, theo kế hoạch, từ hôm nay (8/10), Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 10% đối với các loại máy bay của hãng Airbus sản xuất tại châu Âu, và mức thuế 25% đối với rượu vang Pháp, rượu whisky của Scotland và Ireland, cũng như các loại pho mát có xuất xứ từ châu Âu.

Mỹ áp thuế trả đũa châu Âu vì trợ cấp cho Boeing và Airbus. (Ảnh: Daily Express).

Mỹ áp thuế trả đũa châu Âu vì trợ cấp cho Boeing và Airbus. (Ảnh: Daily Express).

Động thái này diễn ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 2/10 ra một phán quyết "bật đèn xanh" cho Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật.

Trong danh sách các nước châu Âu bị Mỹ áp thuế, Pháp là nước gánh chịu thiệt hại nặng nhất. Theo ước tính, thiệt hại của Pháp là vào khoảng 2,4 tỷ euro trong tổng số 6,8 tỷ euro mà Mỹ áp thuế lên các sản phẩm của châu Âu.

Rượu vang Pháp là lĩnh vực bị thiệt hại nhất bởi hàng năm các thương hiệu rượu vang Pháp nổi tiếng xuất khẩu khoảng 1 tỷ euro hàng hóa sang Mỹ và trong vài năm qua, con số này đang liên tục tăng trưởng ở mức khoảng 10% mỗi năm.

Rượu vang Pháp cũng nằm trong số các sản phẩm bị đánh thuế ở mức cao nhất là 25% nên về lâu dài, chắc chắn các nhà sản xuất Pháp sẽ thiệt hại nặng, trong đó nguy hiểm hơn là việc đánh mất thị trường vào tay các đối thủ khác từ Mỹ, Italia hay Australia.

Tiếp đến, lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm sữa, như pho-mát, của Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng vì mỗi năm Pháp xuất khẩu khoảng 25.000 tấn, trị giá gần 180 triệu euro sang Mỹ.

Với các nước khác như Tây Ban Nha thì đợt áp thuế của Mỹ sẽ tác động đến khoảng 970 triệu euro giá trị xuất khẩu của các sản phẩm như dầu ô-liu, hoa quả, thịt lợn…Với Anh, việc Mỹ áp thuế vào rượu whisky của Scotland cũng sẽ tác động đến lĩnh vực xuất khẩu trị giá 460 triệu euro hàng năm này của Scotland. Hai nước còn lại cũng sẽ bị đợt đánh thuế này của Mỹ tác động, nhưng ít nghiêm trọng hơn, là Đức và Italia.

Chắc chắn, khi việc áp thuế của Mỹ có hiệu lực, phía châu Âu sẽ có biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, việc đáp trả sẽ không diễn ra ngay lập tức bởi lẽ lần áp thuế này của Mỹ được thực hiện sau khi Mỹ được WTO bật đèn xanh, chứ không phải là một hành động đơn phương từ Mỹ. Vì thế, Ủy ban châu Âu cũng như các nước EU có liên quan nhiều khả năng sẽ đợi đến đầu năm 2020 khi WTO ra phán quyết tương tự về việc Mỹ trợ giá cho Boeing để có thể ra lệnh áp thuế tương tự đối với hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang EU.

Từ tháng 6/2018, khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của châu Âu thì hai bên đã bắt đầu bước vào một giai đoạn căng thẳng thương mại. Khi đó thì EU đã trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế đánh vào xe mô-tô Harley Davidson, rượu bourbon và quần bò Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay thì hai bên về cơ bản là đã rất kiềm chế việc leo thang xung đột thương mại, đặc biệt là từ phía châu Âu. Châu Âu luôn tìm cách thương lượng để đạt được các thỏa thuận với Mỹ lâu nhất có thể và các quan chức kinh tế hàng đầu châu Âu như Ủy viên phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom hay Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã nhiều lần kêu gọi phía Mỹ đàm phán, nhưng đều bị Mỹ phớt lờ.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong vụ xung đột Airbus-Boeing này, ban đầu chính quyền Mỹ đã dự định đánh thuế tới 100 tỷ USD với hàng hóa châu Âu, nhưng rồi WTO chỉ bật đèn xanh cho đánh thuế với 11 tỷ và cuối cùng Mỹ chỉ áp thuế 7,5 tỷ. Lí do chính là lo ngại sự trả đũa của châu Âu trong vài tháng tới.

Về tổng thể, trong quan hệ thương mại Mỹ-EU hiện nay, chính sách của EU là luôn muốn thương lượng với Mỹ để tránh xung đột, hoặc kéo dài lâu nhất có thể thời gian tạm hòa hoãn với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phía EU luôn tuyên bố là chiến tranh thương mại sẽ chỉ làm cả hai bên thiệt hại, không chỉ về kinh tế mà còn làm xói mòn cả quan hệ đồng minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, các quyết định từ phía Mỹ thì lại phụ thuộc nhiều vào tính toán chính trị nội bộ của ông Donald Trump, chứ không mấy coi trọng đến quan hệ đồng minh truyền thống với châu Âu./.

Quang Dũng-Phạm Huân/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-eu-tra-dua-thue-vi-tro-cap-cho-boeing-va-airbus-964527.vov