Mỹ-EU đạt thỏa thuận 'đình chiến' trong bất đồng thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới chức Liên minh châu Âu (EU) dường như đã lùi một bước khỏi chiến tranh thương mại, sau khi đạt được một thỏa thuận mà trong đó hai bên hướng tới mục tiêu không áp thuế, không rào cản và không bảo hộ. EU cũng nhất trí mua thêm hàng tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu nành và khí tự nhiên.

Lãnh đạo Mỹ và EU công bố về thỏa thuận đạt được trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters).

Bước đột phá mới

"Chúng tôi đã có một ngày quan trọng" - Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 26/7 trong cuộc họp báo cùng ông Jean-claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), đồng thời tuyên bố về một "giai đoạn mới" trong quan hệ Mỹ-EU - "Hôm nay chúng tôi đã nhất trí sẽ chung tay để hướng tới mức thuế 0%, không rào cản thương mại và không bảo hộ".

Cả hai bên đã nhất trí rằng sẽ không làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp thương mại, và không áp thêm thuế lẫn nhau. Ông Trump và Juncker cũng nói rằng họ sẽ giải quyết các hàng rào thuế nhằm vào thép và nhôm nhập khẩu mà Mỹ đã áp đặt đối với EU cách đây không lâu.

Nhưng dù đạt được bước đột phá mới sau nhiều tuần căng thẳng, thỏa thuận giữa hai bên dường như thiếu đi chi tiết. Trong khi đó, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận này.

"Tránh khỏi một thảm họa không được xem là thành công. Thứ chúng ta chứng kiến chỉ là việc nối lại các vòng đối thoại căn bản. Việc tăng xuất khẩu đậu nành và khí tự nhiên cũng không phải vấn đề lớn. EU sẽ không thể xem lại các điều kiện thương mại lớn một khi mà thuế thep và nhôm vẫn chưa được Mỹ gỡ bỏ" - Bart Oosterveld, giám đốc chương trình kinh tế toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng thỏa thuận mà ông Trump đạt được với EU là một tín hiệu hợp tác đáng hoan nghênh.

Hiện nay, ngoài EU ra thì Mỹ đang trên bờ vực một chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc, và Tổng thống Trump vẫn chưa có dấu hiệu sẽ nhượng bộ trong căng thẳng thương mại với Mexico và Canada. Ông từ lâu đã phàn nàn về sự bất công mà Mỹ nhận được trong các mối quan hệ thương mại với nước khác.

Hôm 25/7 vừa qua, ông Trump tiếp tục cáo buộc Trung Quốc là "có ác ý" đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả.

"Trung Quốc đang nhắm tới những người nông dân của chúng ta, những người mà họ biết là tôi rất quý và tôn trọng, như một cách để tôi cho phép họ lợi dụng nước Mỹ. Họ tỏ ra ác ý, trong khi đến giờ chúng ta vẫn tử tế. Trung Quốc kiếm được 517 tỷ USD từ chúng ta trong năm ngoái" - ông Trump viết trên Twitter.

Tăng nhập khẩu, cải cách WTO

Trong một cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố rằng EU sẽ bắt đầu nhập khẩu nhiều hơn khí hóa lỏng (LNG) và đậu nành của Mỹ. Ông Trump nói: "EU đang bắt đầu mua rất nhiều đậu nành - một thị trường khổng lồ - và mua rất nhiều từ những người nông dân ở vùng Trung Tây của chúng ta".

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với nông nghiệp Mỹ giờ đã biến thành một mối quan ngại trên chính trường. Nhà Trắng đã bị buộc phải đưa ra một kế hoạch ngân sách trị giá 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ các hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi đòn áp thuế đáp trả mà Trung Quốc và EU đưa ra.

Trong cuộc họp báo, ông Trump nói rằng các vòng đàm phán EU-Mỹ cần phải được dẫn dắt bởi một "nhóm làm việc có quyền quyết định" vào gồm "những người rất thông minh đến từ cả hai phía" nhằm giúp cho hoat động thương mại "công bằng hơn" và "có lợi cho cả hai bên".

Mỹ và EU - có tổng giá trị kim ngạch thương mại lên tới 1 nghìn tỷ USD - cũng sẽ hợp tác trong việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cắt giảm các hoạt động thương mại không công bằng. Ông Trump thêm rằng: "Đây là một ngày to lớn của thương mại công bằng và tự do".

Tổng thống Trump trước đó từng đe dọa sẽ áp thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ EU, buộc châu Âu phải đề xuất áp thuế đáp trả với lượng hàng hóa trị giá 20 tỷ USD của Mỹ. Ong Trump từng nhiều lần phản đối cái mà ông gọi là hoạt động "lợi dụng" thị trường Mỹ của các hãng chế tạo xe châu Âu, đặc biệt là của Đức.

Thỏa thuận Mỹ-EU đạt được mới đây được coi là một thắng lợi đối với ông Juncker, người đã tới Washington trong hôm 25/7 với hy vọng sẽ xóa bỏ viễn cảnh chiến tranh thương mại giữa hai bên.

"Tôi đã có ý định sẽ đạt được thỏa thuận trong ngày hôm nay, và chúng tôi đã có một thỏa thuận. Chúng tôi cũng có một số các lĩnh vực có thể hợp tác" - ông Juncker nói - "Khi mà nông nghiệp còn là vấn đề quan ngại, EU có thể nhập khẩu thêm đậu nành từ Mỹ, và điều đó sẽ được thực hiện".

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/my-eu-dat-thoa-thuan-dinh-chien-trong-bat-dong-thuong-mai-tintuc411088