Mỹ ép máy bay Nga đắp chiếu vì thiếu động cơ Ukraine?

Cố vấn không chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Ukraine để thương thảo về việc mua lại công ty chế tạo động cơ máy bay Motor Sich.

Mới đây, nhà thầu an ninh tư nhân Erik Prince, cố vấn không chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Ukraine để thương thảo về việc mua lại công ty chế tạo động cơ máy bay Motor Sich.

Theo truyền thông Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã liên lạc với Erik Prince và một người mua tiềm năng khác. Ông Prince bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại Motor Sich.

Hồi cuối tháng 9, các quan chức của Đại sứ quán Mỹ và Lầu Năm Góc đã đến thăm nhà máy của công ty Motor Sich. Một tháng sau, từ ngày 24 đến 27/10, Erik Prince cũng đến thăm Motor Sich và rất ấn tượng bởi trình độ công nghệ cao tại đây.

Chính phủ Mỹ cũng đang tìm kiếm những người mua khác cho Motor Sich. Ngày 3/10/2019, các quan chức của Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ các nhà thầu quốc phòng.

Trực thăng quân sự Mi-26TV2 quân dụng lớn nhất thế giới hiện nay sử dụng động cơ của Motor Sich chế tạo.

Trực thăng quân sự Mi-26TV2 quân dụng lớn nhất thế giới hiện nay sử dụng động cơ của Motor Sich chế tạo.

Trung Quốc đã ấp ủ kế hoạch mua lại Motor Sich từ lâu song kế hoạch này vẫn chưa thành công do những rào cản từ Chính phủ Ukraine và một số tác nhân khác.

Trung Quốc luôn đặt sự phát triển công nghệ hàng không lên hàng đầu và muốn thành lập một nhà máy sản xuất động cơ máy bay quân sự tiên tiến nhất. Nếu Trung Quốc mua được Motor Sich, Nga cũng có thể có lại được động cơ do nhà máy này sản xuất.

Motor Sich là nhà sản xuất động cơ độc quyền cho tất cả các loại máy bay trực thăng dòng "Mi" do Liên Xô và Nga chế tạo.

Năm 2014, Nga mới có thể sản xuất trong nước một phiên bản nâng cấp của động cơ sê-ri TV3-117 dùng cho máy bay trực thăng quân sự Nga. Mặc dù vậy, Motor Sich vẫn là nhà cung cấp động cơ chủ yếu cho rất nhiều máy bay trực thăng dòng "Mi" và "Ka" được sử dụng trên toàn thế giới.

Motor Sich là nhà máy duy nhất sản xuất động cơ D-136 cho hạng nặng Mi-26. Motor Sich còn sở hữu khả năng sản xuất loại động cơ phản lực R95-300 có thời gian hoạt động ngắn, dùng cho nhiều loại tên lửa hành trình tốc độ cận âm khác nhau, bao gồm cả tên lửa hành trình tầm trung.

Công ty này cũng nắm trong tay kinh nghiệm phong phú về sản xuất các loại động cơ dùng cho máy bay vận tải, bao gồm sản xuất động cơ D-18T cho loại máy bay vận tải hạng nặng An-124.

Sau khi quan hệ Nga-Ukraine trở nên tồi tệ, công ty đã đình chỉ tất cả các hợp đồng của Nga và lâm vào tình cảnh khó khăn. Ở chiều ngược lại, nhiều máy bay của Nga đã phải "đắp chiếu" do nước này chưa tự sản xuất được động cơ cho chúng.

Trung Quốc đã đạt được mục đích?

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Mỹ cố gắng ngăn chặn các thương vụ mua lại công ty này của Trung Quốc. Tranh chấp giữa hai bên xung quanh vụ mua bán này đã diễn ra suốt 3 năm.

Bất chấp sự ngăn cản của giới chức Mỹ, Trung Quốc đã mua được phần lớn cổ phần của hãng sản xuất động cơ máy bay Motor Sich. Trung Quốc kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch giành quyền kiểm soát cổ phần của công ty này.

Nỗ lực thâu tóm Motor Sich trong năm 2017 của Trung Quốc đã thất bại do sự can thiệp của Cơ quan An ninh Ukraine; Còn lần này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang ra sức ngăn chặn.

Ông Natoli Mares, Giám đốc quan hệ công chúng của Motor Sich nói rằng, mặc dù ông Bolton không chấp thuận, nhưng Công ty cổ phần hàng không Thiên Kiều Bắc Kinh (Beijing Skyrizon Aviation) và Tập đoàn Tín Uy (Xinwei Group) vẫn mua được hơn 50% cổ phần của Motor Sich.

Theo ông Mares, thỏa thuận này còn phải được Ủy ban chống độc quyền Ukraine phê chuẩn. "Công ty Trung Quốc đã mua được cổ phần. Bây giờ, quyền quyết định thuộc về Ủy ban chống độc quyền của Ukraine. Chúng tôi không biết khi nào quyết định được đưa ra".

Theo Trường Sơn/Báo Đất Việt

Theo Trường Sơn/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-ep-may-bay-nga-dap-chieu-vi-thieu-dong-co-ukraine/20191114053937640