Mỹ 'ém hàng' với Huawei, trả đũa vụ nông sản

Sau khi Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu của mình ngừng tiến hành đặt hàng nông sản Mỹ, Huawei cũng bị Nhà Trắng làm khó.

Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Nhà Trắng đang hoãn ra quyết định cấp phép cho các công ty Mỹ nối lại kinh doanh với Tập đoàn viễn thông công nghệ Trung Quốc Huawei.

Huawei đang bị ngăn cản tiếp tục mua linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ.

Huawei đang bị ngăn cản tiếp tục mua linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ.

Mới tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết vẫn giữ nguyên quyết định cho phép các công ty Mỹ bán thêm sản phẩm nhạy cảm cho Huawei. Lý do là vấn đề Huawei không liên quan đến đàm phán thương mại. Khi đó, Tổng thống Mỹ nói, quyết định của ông sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có tiếp tục mua nông sản Mỹ hay không.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuần trước cho biết ông đã nhận được 50 đơn xin phép từ doanh nghiệp trong nước. Sau việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại hồi tháng 5 do lo ngại an ninh quốc gia, các doanh nghiệp nước này đã liên tục bày tỏ mong muốn được tiếp tục bán hàng cho Huawei bởi có những sản phẩm cung cấp không thể được Trung Quốc sử dụng cho hoạt động gián điệp như Nhà Trắng cáo buộc. Các công ty Mỹ đã ồ ạt xin giấy phép từ Chính phủ để được nối lại hoạt động giao dịch.

Thông tin từ Bloomberg có thể kéo dài sự chờ đợi của các công ty này thêm nữa dẫu Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ không thể xác nhận tin tức cấp phép và từ chối bình luận.

Đại gia viễn thông Trung Quốc là một trong những công ty mua nhiều sản phẩm bán dẫn nhất thế giới. Vì thế, việc duy trì thị trường Trung Quốc rất quan trọng với tương lai của các hãng chip như Intel, Qualcomm hay Broadcom.

Sau tin tức được Bloomberg đưa ra, cổ phiếu của các công ty trên giảm 2%.

Giám đốc điều hành Intel Bob Swan đã thừa nhận về thiệt hại này. Ông nói: "Sự không chắc chắn về thương mại và thuế quan đang tạo ra sự lo lắng của chúng tôi đối với các chuỗi cung ứng cho khách hàng".

Giám đốc an ninh Andy Purdy của Huawei vào tháng trước đã chia sẻ với CNN rằng, chính quyền ông Trump đang bảo vệ nước Mỹ sai cách. Lệnh cấm bán hàng cho Huawei sẽ không giữ an toàn cho nước Mỹ, nhưng nó có thể khiến các nhà cung cấp tại Mỹ phải trả giá.

"Với những rủi ro bị tổn thương trên không gian mạng của Mỹ, tôi cho rằng chính phủ đang muốn đảm bảo cho nước Mỹ an toàn hơn nhưng họ đã đi quá xa. Nếu chúng tôi (Huawei) buộc phải làm theo cách của mình, chúng tôi sẽ vẫn ổn. Nhưng trong dài hạn, tôi không biết liệu Huawei có quay lại (Mỹ) không và tôi cho rằng nước Mỹ sẽ chịu thiệt hại" - ông Andy Purdy nhận định.

Dù lệnh cấp phép cho công ty Mỹ làm ăn với Huawei bị trì hoãn nhằm gây sức ép với Trung Quốc, trả đũa vụ Trung Quốc không mua nông sản Mỹ thì chúng cũng đang gây thiệt hại từng ngày cho các công ty Mỹ.

Huawei đã nhiều lần bày tỏ không e ngại trước lệnh cấm của Mỹ và điều này sẽ chỉ càng khiến Mỹ chịu thiệt hại.

Phó Giám đốc điều hành của Huawei chi nhánh Pháp, Zhang Minggang cho biết kế hoạch B của họ nhằm giảm tác động từ lệnh cấm của Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ.

Kế hoạch B ban đầu được cho là kế hoạch phát triển hệ điều hành độc lập của Huawei với hệ điều hành Android mà lâu nay gã khổng lồ công nghệ này vẫn hợp tác với công ty công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế, Huawei đã sử dụng chiến lược kết nối nhiều đối tác cùng lúc và cùng cung cấp một linh kiện. Do đó, khi đối tác Mỹ dừng cung cấp linh kiện, Huawei vẫn có đối tác khác để cung cấp linh kiện này.

Sự chủ động nguồn cung đã giúp giảm thiểu tối đa những tác động từ lệnh cấm của Mỹ.

"Tôi không nghĩ rằng các bộ phận được sử dụng trong các sản phẩm của bất kỳ công ty nào đều là tự sản xuất 100%. Vì vậy chúng tôi đã bắt đầu kinh doanh theo cách quản lý bền vững từ cách đây 10 năm trước. Chiến lược này đảm bảo rằng, luôn có hai nguồn cung cấp cho mỗi một linh kiện" - ông Zhang Minggang khẳng định, nếu thiếu chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp Mỹ, Huawei sẽ vẫn có nguồn cung khác và chỉ bị hạn chế số lượng sản phẩm tung ra thị trường so với dự kiến.

Chiếc Honor 20 Pro là một ví dụ. Ngay trước thời điểm mẫu flagship này lên kệ, một nhà cung cấp tại Mỹ đột nhiên dừng cung cấp linh kiện sản xuất máy. Nhưng nhờ chiến lược duy trì hai đối tác cung ứng chung cho một linh kiện nên Huawei đã không bị động trước tình huống trên.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-em-hang-voi-huawei-tra-dua-vu-nong-san-3385341/