Mỹ dùng lựu pháo tự hành đánh chặn tên lửa Nga

Quân đội Mỹ vừa để lộ thêm hình ảnh thử nghiệm lựu pháo tự hành đánh chặn mục tiêu mô phỏng tên lửa hành trình Nga.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện hồi cuối năm 2020 nhưng đến nay một số hình ảnh mới được công bố. Mục tiêu bị đánh chặn là BQM-167 Skeeter nhái tên lửa hành trình của Nga. Theo Drive, tham gia cuộc thử nghiệm có Hệ thống Quản lý Chiến đấu Tiên tiến (ABMS).

Loại đạn được pháo tự hành Mỹ sử dụng là Hyper Velocity (HVP), có khả năng tấn công mục tiêu với tốc độ siêu thanh. Sở dĩ Lục quân Mỹ sử dụng loại đạn như vậy để tiêu diệt tên lửa đối phương là do giá thành rẻ hơn nhiều lần so với các tên lửa phòng không đích thực.

Theo mức giá được công bố, chi phí của đạn HVP ước tính khoảng 75-100 nghìn USD, trong khi giá của tên lửa phòng không hạm RIM-162 Evolved Sea Sparrow (ESSM) là 2 triệu USD/quả.

Sở dĩ có sự so sánh này là do trong tương lai, Hệ thống pháo hạm tân tiến AGS 155mm sẽ được trang bị chủ yếu trên các chiến hạm của Mỹ.

Giới quân sự Mỹ cho rằng, hệ thống pháo AGS được cho là có khả năng được sử dụng trên các tàu khu trục loại Zumwalt và Arleigh Burke, cũng như tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga.

"Đạn HVP cung cấp cho các tàu khả năng chống lại tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay không người lái một cách hiệu quả và tương đối rẻ, cũng như chống lại các máy bay thông thường", nguồn tin này cho biết.

Dù đã thử nghiệm thành công nhưng giới chuyên gia cho rằng, việc đạn pháo Mỹ đánh chặn được tên lửa Nga trong thực tế hay không lại là chuyện khác, bởi các vụ thử nghiệm của Mỹ diễn ra trong điều kiện diễn tập, biết trước thời điểm mục tiêu xuất phát và quỹ đạo bay của chúng.

Hơn nữa, loại UAV Mỹ sử dụng để làm mục tiêu giả tên lửa Nga có tốc độ thấp hơn nhiều so với tên lửa hành trình chống hạm thông thường của Nga chứ chưa nói đến các tên lửa siêu thanh đã sẵn sàng trang bị. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-dung-luu-phao-tu-hanh-danh-chan-ten-lua-nga-3425547/