Mỹ dùng Iron Dome thách thức Nga tại Al-Tanf

Theo Southfront, Mỹ đã sẵn sàng triển khai những hệ thống tên lửa Iron Dome tại điểm nóng Al-Tanf, Syria.

Thông tin về kế hoạch đưa hệ thống tên lửa đánh chặn do Israel sản xuất này vào Syria được Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Eric Pahon, Quân đội Mỹ tiết lộ, việc triển khai này nhằm thử nghiệm khả năng bảo vệ binh sĩ Mỹ và đồng minh trước các cuộc tấn công đường không bằng máy bay không người lái (UAV), rocket, tên lửa... của hệ thống Iron Dome.

Hệ thống Iron Dome.

Hệ thống Iron Dome.

Tuy nhiên, vị phát ngôn viên này không tiết lộ Mỹ sẽ triển khai bao nhiêu hệ thống Iron Dome tại Al-Tanf và thời gian triển khai. Mặc dù vậy, tờ Avia.pro dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, kế hoạch này của Mỹ không khác nào đang thách thức Nga và nó cho thấy sự bất nhất của Mỹ trong vấn đề rút quân khỏi Syria.

Bởi trước đó, chính Tổng thống Trump từng vào lần tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria. Cùng với kế hoạch triển khai "Vòm sắt", nguồn tin này còn cho biết những đoàn xe siêu nặng của Mỹ chở theo vũ khí vừa nối đuôi nhau đến bờ Đông Euphrates.

Gần như cùng thời điểm xuất hiện thông tin này, vũ khí cũng đã được Mỹ triển khai tới các thành phố Hasakah, Raqqa và Aleppo. Cùng với đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho biết, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vừa bất ngờ điều động nhiều xe quân sự chở theo thiết bị hậu cần đến căn cứ As-Susah ở phía Đông sông Euphrates.

Động thái của Mỹ được đánh già là nhằm mục đích tăng cường năng lực chiến đấu chống lại sự hiện diện của IS trong khu vực.

Lý do về sự tăng cường quân sự của Mỹ tại As-Susah đã khá rõ ràng tuy nhiên theo thông tấn Iran, việc Mỹ tăng cường hiện diện phía Đông sông Euphrates có thể do người Mỹ lo căn cứ tại Al-Tanf bị 'đóng băng' trong vòng vây của Nga và quân chính phủ Syria.

Cũng không loại trừ việc Mỹ bất ngờ điều động binh lực đến As-Susah có liên quan đến tài nguyên tại khu vực này. Được biết, bờ Đông sông Euphrates tại Deir Ezzor là vùng đất giàu tài nguyên bậc nhất của Syria. Tăng cường hiện diện tại khu vực này, Mỹ sẽ có nguồn tài chính ổn định để duy trì nhà nước mà họ muốn thành lập.

Đối với Mỹ mà nói, độc chiếm dầu mỏ ở Deir Ezzor là mục tiêu cuối cùng tại miền Đông Syria. Trên cơ sở đó, Mỹ có thể mở một đường cung cấp dầu mỏ từ Vùng Vịnh tới châu Âu và thu lợi từ đây.

Giới phân tích nhận định, chiến thuật mà Washington áp dụng mấy thập kỷ gần đây tại Trung Đông đã đem về cho Mỹ hàng nghìn tỷ USD. Mỹ thường can thiệp vào các khu vực đang xảy ra tranh chấp, lập căn cứ quân sự và cơ sở đồn trú, bảo vệ những vùng đắc địa, giàu tài nguyên dưới danh nghĩa chống khủng bố và lá cờ dân chủ.

Còn những khu vực khác, Mỹ sẽ bỏ mặc, thậm chí "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách bơm tiền cho cái gọi là "đối lập ôn hòa" để "duy trì sự bất ổn", từ đó tiện bề kiếm chác từ các mỏ dầu và buôn vũ khí tại Trung Đông.

Và có thể trường hợp như trên cũng sẽ được Mỹ áp dụng với Al-Tanf. Cũng giống như những gì mà Mỹ thực hiện tại Afghanistan và Iraq, nhiều khả năng Deir Ezzor sẽ trở thành hũ vàng của Mỹ tại Syria. Và đây có thể chính là nguyên nhân khiến Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hồi cuối năm 2018.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dung-iron-dome-thach-thuc-nga-tai-al-tanf-3374818/