Mỹ dùng bài Nga đáp trả Nga

Khi Nga cấm nhập nông sản Mỹ và châu Âu nhằm đáp trả trừng phạt, lúa mỳ Nga lập tức dẫn đầu thế giới, Mỹ cũng muốn học cách này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mới công bố kết quả điều tra các vụ bán phá giá dây thép carbon và thép hợp kim trong năm nay, trong đó Nga là quốc gia sẽ phải chịu mức thuế cao nhất.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, các hãng xuất khẩu từ Nga đã và đang bán thép với mức biên phá giá lên đến 756,93% so với giá trị thực.

Thép Nga xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thêm 800% thuế chống bán phá giá.

Do đó, Bộ này sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) thu thuế chống bán phá giá ở mức 756,93% đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Nga.

Cùng với các điều tra từ thép của Nga, các loại thép nhập khẩu vào Mỹ từ Belarus và UAE cũng sẽ bị áp thuế chống bán phá giá lần lượt là 280,02% và 84,1%.

Theo thông tin điều tra, nhập khẩu dây thép từ Nga, Belarus và UAE trong năm 2016 là 32,3 triệu USD, 10,4 triệu USD và 7 triệu USD.

“Vì Bộ Thương mại cũng nhận thấy rằng việc này quan trọng với tất cả nhà xuất khẩu và sản xuất Nga, Bộ sẽ hướng dẫn CBP thu tiền mặt từ các sản phẩm nhập từ Nga 90 ngày trước khi có quyết định sơ bộ” - thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nhắc kèm diễn biến cuộc điều tra từ ngày 5/9.

Bộ này nói thêm việc thực thi luật thương mại Mỹ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định áp thuế chống bán phá cho mặt hàng thép từ Nga phần nào cho thấy Mỹ dùng hạn chế nhập khẩu để tăng cường sản xuất trong nước.

Bằng chứng cho thấy khá rõ khi thông tin thị trường thép Mỹ vào tháng 9/2017 cho thấy nước này đang giảm nhập khẩu dây thép tới 28.2% so với tháng trước đó, và giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhập khẩu thép dây của Mỹ trong tháng 9/2017 đạt 54 triệu USD, thấp hơn so với 69,9 triệu USD tháng trước đó, và so với 63,6 triệu USD cùng tháng năm ngoái.

Mỹ không tăng trừng phạt mà tìm cách triệt hạ kinh tế thép của Nga bằng chống bán phá giá.

Đây cũng là cách làm mà Nga đã sử dụng khi đón nhận đồng loạt các phản ứng trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ và các nước phương Tây như: gia cầm, cá, thịt bò, trái cây, rau, sữa...

Tổn thất trực tiếp mà nền kinh tế Mỹ hứng chịu ước tính vào khoảng 2,25 tỉ USD suốt 3 năm qua.

Trong khi đó, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu bị mất đối với những sản phẩm không được phép nhập khẩu vào Nga có thể dẫn đến thâm hụt trong khoảng từ 1,8- 2,2 tỉ USD mỗi năm

Đáng nói, quyết định cấm nhập khẩu đã giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp Nga, cho phép đất nước duy trì được mức giá hợp lý cho các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước.

Cho đến nay, với cách làm mà Mỹ đang áp dụng cho cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép của Nga, hạn chế nhập khẩu cũng là cách mà Washington lựa chọn để đối phó.

Tình thế của Mỹ khi sử dụng cách thức vận hành khuyến khích sự tăng trưởng của một lĩnh vực sản xuất là kiềm chế lượng hàng hóa nhập khẩu.

Với việc áp thuế chống bán phá giá thép dây của Nga lên tới mức 800%, con số này ước tính sẽ khó có thể kéo các nhà đầu tư Nga có phương án chuyển thị trường xuất khẩu mới. Trong khi đó, ngành thép trong nước của Mỹ sẽ ngày càng phát triển, giống như cách Nga đã "cứu sống" các nông dân sống tốt trong đòn cô lập quốc tế của phương Tây.

Chỉ có điều, thay vì các lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Nga, Mỹ đã lựa chọn cách áp thuế chống bán phá giá để kiềm chế và thậm chí đặt dấu chấm lập tức cho xuất khẩu của Nga tới thị trường này.

Thay vì tuyên bố cấm nhập khẩu- vốn được cho là các phản ứng gia tăng trừng phạt và ảnh hưởng tới chính trị, Mỹ đã chọn cách làm "một công đôi ba việc" này để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, mang việc làm tới cho người dân Mỹ và hiện thực hóa các lời hứa của ông Donald Trump khi tranh cử Tổng thống Mỹ.

Thạch Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dung-bai-nga-dap-tra-nga-3347650/