Mỹ dùng 500 quân chọc thủng phòng tuyến Nga?

Moscow coi lực lượng tăng cường gồm 500 quân của Mỹ ở châu Âu nằm trong kế hoạch nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Bước đi nhỏ, kế hoạch lớn

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho công bố quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu bằng cách điều thêm 500 binh sĩ tới Đức. Động thái này nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và bổ sung những năng lực cần thiết cho sự hiện diện của Mỹ trên lục địa này.

Sau 4 năm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị chia rẽ nghiêm trọng, ông Biden đã thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Mỹ đối với châu Âu kể từ khi lên nắm quyền. Theo giới phân tích quốc tế, 4 năm qua là khoảng thời gian mà Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cố gắng “cầm cự” khi năng lực và khả năng phòng thủ của liên minh bị mất.

Theo tờ Phân tích Á-Âu, NATO bước vào năm 2021 sau khi trải qua trận chiến bầm dập, hứng chịu một cú đánh từ cả hai hướng khi Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi liên minh, đồng thời tuyên bố chỉ bảo vệ những đồng minh đã cùng gánh vác gánh nặng tài chính với Mỹ.

Binh sĩ Mỹ và binh sĩ Đức tập luyện chung

Binh sĩ Mỹ và binh sĩ Đức tập luyện chung

Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, giai đoạn chia rẽ xuyên Đại Tây Dương và kỷ nguyên của sự ngờ vực và mất tinh thần được nhìn nhận đã đi qua. Phát biểu của Tổng thống Mỹ Biden hồi đầu năm 2021 tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến về sự trở lại của Mỹ trong vị trí lãnh đạo đã làm cho mối quan hệ hồi sinh trở lại theo đúng quỹ đạo vốn có.

Ông Biden tuyên bố: "Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Và chúng ta không nhìn lại phía sau; chúng ta đang cùng nhau hướng về phía trước”. Ông Biden cũng cho rằng ngay lúc này, với những tuyên bố về việc tăng cường hiện diện của Mỹ ở châu Âu, “chúng ta hiểu rằng chính quyền trên thực tế cũng rất tập trung giải quyết những điểm yếu của quân đội Mỹ đồn trú ở nước ngoài”.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng: “Sự gia tăng quân số theo tuyên bố của Mỹ tại Đức có số lượng không lớn - hai đơn vị cùng tác chiến gồm khoảng 500 binh sĩ - nhưng cũng đủ sức mạnh tạo ra một sức mạnh lớn và lấp đầy những lỗ hổng lớn về năng lực".

Thành phần đầu tiên là một đơn vị tương đối mới đối với Quân đội Mỹ: Lực lượng Đặc nhiệm đa miền (MDTF), được coi là trung tâm của quá trình hiện đại hóa quân đội. Ngoài pháo binh và phòng không, MDTF cung cấp khả năng tình báo, mạng, tác chiến điện tử và vũ trụ ở châu Âu, những năng lực được cho là cực kỳ cần thiết để phòng thủ và chống lại các chiến dịch hiện nay của Nga ngay sát ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang.

500 quân tăng cường của Mỹ thuộc hai đơn vị đặc biệt nhằm đối phó Nga

Thành phần thứ hai là một cơ quan đầu não quan trọng: Chỉ huy Hỏa lực Chiến trường (TFC). Đơn vị chỉ huy và điều khiển mới này có thể điều phối các cuộc tấn công tầm xa trên toàn bộ chiến trường châu Âu. Với những tiến bộ và lợi thế của Nga - về pháo, tên lửa và tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa, một cơ chế điều khiển và chỉ huy mới để tiến hành các cuộc tấn công dự phòng là cần thiết ở châu Âu.

Tuy nhiên, trang Phân tích Á-Âu cho rằng Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm khi tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, đặc biệt là tại Baltic, khu vực mà sự đóng góp nhỏ nhoi của quân đội Mỹ còn lâu mới có thể bù đắp cho những thiếu sót hiện nay. NATO đã thiết lập 4 nhóm tác chiến với khoảng 1.000 quân cùng các nhóm ở Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia. Tuy nhiên, chỉ có nhóm ở Ba Lan là do Mỹ chỉ huy. Điều này được nhìn nhận không tương xứng với các cam kết mà Mỹ đưa ra lâu nay.

Nga không bị động

Về phần mình, Nga đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ gần biên giới Nga. Moscow coi lực lượng mà Mỹ dự định triển khai tại Đức trong vài tháng tới là kế hoạch nhằm “chọc thủng phòng tuyến” của Nga nếu xung đột xảy ra.

Theo Sputnik, các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận Nga có lợi thế về quân số so với NATO ở biên giới phía Tây, vì Nga có thể điều động số lượng quân nhiều hơn đáng kể tới khu vực này trong thời gian ngắn nhất và chuẩn bị tốt hơn nhiều trong trường hợp xung đột vũ trang. Tỉnh Kaliningrad là mối quan ngại đặc biệt của liên minh Bắc Đại Tây Dương. Moscow được cho là đã lập ra một trong những “vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) tại khu vực này.

Mỹ mưu toan chọc thủng phòng tuyến Nga với kỳ vọng tên lửa Iskander không rời khỏi bệ phóng!

Ở Mỹ, thuật ngữ A2/AD được hiểu là lãnh thổ được bảo vệ một cách đáng tin cậy trước sự can thiệp từ bên ngoài bằng hệ thống phòng không mạnh mẽ, tên lửa chống hạm, hệ thống tấn công ven biển và tác chiến tầm xa, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Trong trường hợp xảy ra xung đột, quân đội, không quân và hải quân phương Tây sẽ phải chịu tổn thất rất cao trong khu vực này.

Sputnik cho biết, chỉ có thể trấn áp được A2/AD Kaliningrad nếu như liên minh NATO sử dụng hết tiềm năng của mình, và trong trường hợp Nga hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, các quốc gia tham gia hoạt động này sẽ phải gánh chịu những thiệt hại lớn về người và thiết bị.

Vì lý do trên, Sputnik nhận định rằng Mỹ quyết định hành động theo cách khác: trong nhiều năm, Mỹ nghiên cứu việc lập ra các đơn vị quân sự tương đối nhỏ - các nhóm MDTF được thiết kế để đột nhập vào các khu vực A2/AD. Thành phần và số lượng các đơn vị này phụ thuộc vào quy mô hoạt động tác chiến và đặc điểm chiến dịch. Các thiết bị chính là pháo phản lực, tên lửa có độ chính xác cao và trong tương lai là vũ khí siêu thanh.

Tuyên bố chính thức của nhóm MDTF ở châu Âu của Mỹ nêu rõ: “Nhóm đặc nhiệm MDTF châu Âu gồm có pháo binh dã chiến, tên lửa tầm xa, các tổ hợp hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, các đơn vị trinh sát, chuyên gia tác chiến điện tử, an ninh mạng và thông tin liên lạc không gian. Khả năng hoạt động trong mọi môi trường sẽ phối hợp hỏa lực của các nước NATO thành một tổng thể duy nhất”.

Trong trường hợp cần thiết, nhóm MDTF sẽ tham gia hoạt động do thám vì lợi ích của toàn bộ liên quân NATO triển khai ở châu Âu: xác định các vị trí phòng không, nơi tập trung quân và các tuyến di chuyển thiết bị quân sự của đối phương. Song song với các hoạt động này, tin tặc của nhóm đặc nhiệm MDTF sẽ tham gia phá hoại trong không gian mạng, “gây nhiễu” phương tiện liên lạc và chỉ huy. Bước tiếp theo là tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự trọng yếu của đối phương.

Nga đáp trả bằng các cuộc tập trận quy mô lớn và chuyển quân thần tốc

Để hỗ trợ nhóm MDTF châu Âu, Mỹ triển khai nhóm TFC đặc biệt. Theo Sputnik, đây là trung tâm phân tích và chỉ huy xác định các mục tiêu tiềm năng tại mặt trận. Các quân nhân của nhóm sẽ liên tục theo dõi sự di chuyển của quân địch với sự trợ giúp của máy bay không người lái và vệ tinh không gian, vũ khí tấn công trực tiếp là tên lửa tầm xa và các hệ thống pháo.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh, quân nhân của cả 2 đơn vị - chỉ khoảng 500 người - đã được huấn luyện và sẵn sàng bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Nhóm MDTF dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9 và nhóm TFC sẽ hoạt động sau đó một tháng. Nhóm TFC sẽ đến căn cứ Wiesbaden ở Đức, còn địa điểm mà nhóm MDTF sẽ triển khai thường trực hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động điều quân của NATO gần biên giới Nga. Ông Sergei Shoigu nói: “Các hành động của Mỹ và NATO ở khu vực châu Âu nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tăng cường sự hiện diện của quân đội làm gia tăng nguy cơ đe dọa quân sự. Cơ sở hạ tầng quân sự NATO đang được hiện đại hóa, cường độ huấn luyện tác chiến và chiến đấu ngày càng tăng, khái niệm ‘4 lần 30’ của Mỹ đang được thực hiện”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đề cập đến khái niệm “4 lần 30” của Mỹ, tức là kế hoạch triển khai 30 tiểu đoàn NATO, 30 phi đội không quân chiến thuật và 30 tàu chiến ở Đông Âu trong vòng 30 ngày. Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Nga, nhóm quân này sẽ hỗ trợ các lực lượng phản ứng nhanh của NATO bằng hỏa lực và tấn công vào các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đối phương, do các nhóm MDTF, TFC và các đơn vị tiền tiêu khác của liên minh chọc thủng.

Theo Sputnik, Nga có tiềm năng đáp trả mọi hành động gây hấn của NATO. Cuộc tập trận bất ngờ quy mô lớn của Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam thời gian qua đã chứng minh khả năng chuyển quân quy mô lớn trong thời gian ngắn của Nga. Sputnik khẳng định Nga đã chứng minh cho NATO thấy khả năng phản ứng trước các nguy cơ đe dọa và mức độ sẵn sàng chiến đấu nhanh hơn nhiều so với dự tính của phương Tây.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-dung-500-quan-choc-thung-phong-tuyen-nga-3432063/