Mỹ đưa vũ khí lên không gian, Nga gửi kết đắng

Nga có thể phá hủy hoàn toàn mọi vũ khí Mỹ trước khi đưa lên không gian và tấn công xuống Trái Đất.

Franz Klintsevich, một thành viên trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga đã có bình luận rằng, việc Nga đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để đáp trả động thái tương tự của Mỹ là "phản ứng hoàn toàn tự nhiên" trước quyết định của Washington.

Bộ Quốc phòng Nga sắp bắt đầu chế tạo các tên lửa Kalibr phóng từ mặt đất cũng như nghiên cứu phát triển vũ khí siêu âm tầm trung mới. Ảnh: Strategic Culture

Tuy nhiên, Nga không nhất thiết phải có phản ứng đáp trả khi các quốc gia đưa các vũ khí lên không gian bởi Moscow hoàn toàn có thể phá hủy hoàn toàn các vũ khí này ngay từ mặt đất.

"Đối với kế hoạch đưa vũ khí lên không gian của một số quốc gia, việc đáp trả tương đương là hoàn toàn không cần thiết, mặc dù biện pháp này cũng không bị loại trừ. Tất cả những các vũ khí không gian sẽ nằm trong tầm ngắm của chúng ta từ Trái Đất, kèm với sự đảm bảo hủy diệt hoàn toàn" - ông Franz Klintsevich nhận xét.

Việc loại bỏ các vũ khí có nguy cơ tác động đến Nga từ trong "trứng nước" đã thể hiện mức độ phát triển của chương trình không gian Nga.

Bình luận của vị Thượng Nghị sĩ Nga cũng đã hàm ý nhắc tới tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov cho rằng việc Mỹ nhất quyết rời INF có thể là Washington đang muốn thực hiện ý đồ triển khai vũ khí trên không gian vũ trụ.

Mỹ đã công khai mưu đồ quân sự hóa vũ trụ trong vài năm tới và INF là một cản trở. Từ bỏ Hiệp ước này sẽ khiến Mỹ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận và kiên định tiến hành mưu đồ chiếm lấy không gian.

Trước đó, Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ đã phát đi cảnh báo rằng, Trung Quốc và Nga đang tìm cách mở rộng khả năng của mình trong không gian, bao gồm cả việc phát triển vũ khí chống vệ tinh.

Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về việc Nga theo đuổi các vũ khí không gian mới, trong đó có hệ thống laser di động có khả năng phá hủy các vệ tinh trong vũ trụ và phóng vệ tinh do thám mới.

Tại hội nghị về giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 8/2018, bà Yleem D.S. Poblete, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Bộ phận kiểm soát, tuân thủ vũ khí, cảnh báo việc Nga theo đuổi các năng lực đối đầu trên không gian là "đáng lo ngại".

Bà Poblete dẫn một số nội dung trong Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc hồi tháng 3/2018, trong đó đề cập tới 6 hệ thống vũ khí tấn công mới, trong đó có hệ thống laser di động.

Nhưng ngay cả Lầu Năm Góc cũng công khai về chiến lược thực sự của Mỹ trong không gian.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khi đương nhiệm đã nhắc về kế hoạch này: "Chỉ thị gần đây của Tổng thống Trump về việc thành lập Lực lượng Không gian Mỹ không phải nhằm mục đích thiết lập bộ máy quan liêu mới tại Lầu Năm Góc, mà nhằm tạo ra năng lực tác chiến thực tế để tham chiến trong không gian nếu cần".

Phản ứng trước kế hoạch của Mỹ, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí và Hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Ermakov đã cảnh báo Mỹ không nên đưa vũ khí vào không gian.

"Trong học thuyết quân sự của Mỹ quy định rất rõ ràng rằng, nước này sẽ huy động toàn bộ lực lượng có thể huy động được để giành quyền chủ đạo trong không gian.

Điều này nhằm mục đích gì, không nói mọi người cũng thấy rất rõ. Trong trường hợp tất yếu, Mỹ sẽ bố trí vũ khí tấn công và các thiết có thể hủy diệt bất cứ quốc gia khác mà Mỹ không thích" - ông Vladimir Ermakov cho biết.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dua-vu-khi-len-khong-gian-nga-gui-ket-dang-3374034/