Mỹ đưa tàu khu trục tới Biển Đông giữa căng thẳng

Trong lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn đối đầu trong cuộc chiến thương mại, Mỹ đưa tàu khu trục tới biển Đông.

Reuters ngày 13/9 đưa tin, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra gần khu vực các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer

Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer

Phát ngôn viên Reann Mommsen của Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, con tàu thực hiện hoạt động tuần tra là tàu khu trục Wayne E. Meyer. Hành động này nhằm để phản đối những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa" - Reuters dẫn lời bà Mommsen.

Người phát ngôn nhấn mạnh: “Trung Quốc đang cố gắng tuyên bố chủ quyền nhiều hơn ở các vùng nước nội thủy, vùng nước thuộc phạm vi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kể cả thềm lục địa hơn những gì luật pháp quốc tế cho phép”.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã tuần tra, áp sát nhiều đảo ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc tại khu vực.

Trước đó, hôm 28/8, Reuters đưa tin tàu khu trục USS Wayne E. Meyer cũng di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, mục đích thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế.

Động thái của Mỹ hôm 28/8 diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc từ chối cho tàu chiến của Hải quân Mỹ cập cảng ở TP Thanh Đảo của nước này.

Liên quan tới tình hình biển Đông, một số các quốc gia đồng minh của Mỹ đã bày tỏ cân nhắc đưa tàu tuần tra chung, chẳng hạn như Anh, Nhật Bản.

Mới đây nhất, Telegraph đưa tin, Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thế hệ mới tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2021

Phản ứng trước thông tin này, ông Lưu Hiểu Minh - Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã gửi tới cảnh báo. Theo Đại sứ Trung Quốc, nếu Hải quân Anh cho phép tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hay bất kỳ tàu chiến nào của Anh di chuyển gần các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nhóm tàu chiến của Anh sẽ phải đối mặt với các "phản ứng quân sự" của Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Anh có kế hoạch điều tàu sân bay vào Biển Đông vào năm 2021, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực".

“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dua-tau-khu-truc-toi-bien-dong-giua-cang-thang-3387557/