Mỹ đưa ra tuyên bố bất ngờ trong 'trò chơi' hạt nhân với Nga

Trong bối cảnh Mỹ và Nga công khai những vũ khí hạt nhân mới và coi đây như là lời răn đe lẫn nhau, chính quyền Tổng thống Trump đã bất ngờ quay 180 độ khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới với Nga, Mỹ đang tính kế gì?

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 6/2 cho biết, Chính quyền Trump sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với Nga. “Chúng tôi sẽ đối đầu với người Nga nơi chúng tôi cần, nhưng đồng thời tôi nghĩ chúng tôi sẽ đàm phán, chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán sớm về kiểm soát vũ khí, về vấn đề hạt nhân, mà bạn biết, quan trọng đối với sự an toàn của thế giới, không chỉ Mỹ và Nga”, ông O'Brien nói trong bài phát biểu tại Trung tâm quốc tế Meridian ở Washington trước các đại sứ từ khắp nơi trên thế giới.

Ông O'Brien bất ngờ thông báo Chính quyền Trump sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với Nga. Nguồn: Sina.

Ông O'Brien bất ngờ thông báo Chính quyền Trump sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với Nga. Nguồn: Sina.

Ông O'Brien đã đưa ra thông điệp này khi Mỹ và Nga đạt đến thời hạn còn đúng một năm để gia hạn Hiệp ước New START, thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý cuối cùng giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Hiệp ước, hai bên giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân không vượt quá 1.550 đầu đạn với 700 hệ thống phóng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom. Hiệp ước này cũng cho phép 18 lần kiểm tra tại chỗ mỗi năm cho phép mỗi bên theo dõi sát sao năng lực của những người khác.

Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, với sự đồng ý của hai nước, thời hạn hiệu lực có thể được kéo dài thêm 5 năm. Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tiến hành đối thoại với Mỹ về việc gia hạn hiệp ước, nhưng Mỹ dường như không mấy “mặn mà”. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Trump đã nói với Tổng thống Nga Putin rằng, Hiệp ước mới về việc cắt giảm vũ khí chiến lược là một hiệp ước tồi tệ đối với Mỹ.

Nếu đàm phán thành công, New START sẽ được kéo dài thêm 5 năm, bắt đầu từ năm 2021. Nguồn: Sina.

Richard Burt, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, người với tư cách là nhà đàm phán chính của Mỹ đã thành công ký kết với Liên Xô Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân, nói rằng cái giá của việc không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới sẽ là một “bước lùi” rất lớn.

Mỹ và Nga sở hữu hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, nếu Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược không được gia hạn, “chúng ta sẽ sống trong một cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga mà không có sự minh bạch và không dự đoán được. Thế giới sẽ không còn sự bảo vệ nào trước một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, và chúng ta sẽ trở về những năm 1960”.

Rusten, một cựu quan chức kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, từng phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, là một trong số các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho biết vì Mỹ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nên cách tiếp cận tốt nhất là gia hạn New START ngay bây giờ và cùng công bố các nguyên tắc chung Nga-Mỹ để định hướng đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của New START tiếp tục giảm và giải quyết các loại vũ khí hạt nhân bổ sung khác.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không gia hạn thành công, thế giới sẽ quay về những năm 1960. Nguồn: Sina.

Một số chuyên gia quân sự của Mỹ cũng cho rằng, ngoại giao hạt nhân cần có thời gian, sự chậm trễ trong việc mở các cuộc đàm phán quan trọng đã làm dấy lên mối lo ngại về mối quan tâm của chính quyền Trump trong việc duy trì hiệp ước hoặc rộng hơn là tuân thủ các giới hạn của các hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã từ chối nhiều thỏa thuận quốc tế, bao gồm hai hiệp ước hạt nhân khác, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung và thỏa thuận hạt nhân Iran. Việc gia hạn New START sẽ là một bước đi mà các quan chức Nga đã nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng thực hiện, nhưng ông Trump và các quan chức chính quyền ra tín hiệu rằng họ quan tâm đến việc đàm phán một hiệp ước mới có cả Trung Quốc và có thể các nước khác.

Đề nghị đưa thêm Trung Quốc vào Hiệp ước mới là một điều không khả thi, do kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Moscow hay Washington, Bắc Kinh không có nhiều động lực để ký kết một hiệp ước hạn chế kho vũ khí của mình ở mức thấp hơn nhiều so với các đối thủ địa chính trị.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/my-dua-ra-tuyen-bo-bat-ngo-trong-tro-choi-hat-nhan-voi-nga-post331484.info