Mỹ đốt hàng chục triệu USD khi tự phá hủy hệ thống phòng không ở Kabul

Lính Mỹ đã quyết định phá hủy hệ thống phòng không C-RAM trị giá hàng chục triệu USD trước khi rút khỏi đại sứ quán ở thủ đô Kabul, Afghanistan.

Một nhà thầu dân sự Mỹ tại Afghanistan cho biết, hệ thống phòng không C-RAM được Washington bố trí bảo vệ đại sứ quán đã bị lính Mỹ thiêu hủy để khỏi rơi vào tay Taliban.

"Đáng tiếc là phải phá hủy nó, thay vì tháo bỏ mang đi, bởi hệ thống này cần trực chiến đến phút cuối cùng", người này cho hay.

Mỗi tổ hợp phòng thủ C-RAM có giá ước tính 10-15 triệu USD, chưa bao gồm đạn và chi phí vận hành.

C-RAM là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ cực gần Phalanx trên tàu chiến Mỹ và đồng minh, tuy vậy loại vũ khí này lại được Washington trang bị trên các nóc đại sứ quán ở các nước tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

C-RAM được trang bị nhiều nhất là trên nóc đại sứ quán Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Chúng được dùng để chống lại các cuộc tấn công bằng rocket hoặc UAV từ phía phiến quân khủng bố.

Hệ thống phòng không tầm gần C-RAM là sự kết hợp giữa radar tìm kiếm chỉ thị mục tiêu và pháo nòng xoay vulcan nổi tiếng M61 cỡ 20 mm.

Ngoài ra còn có hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân và một tổ hợp kính ngắm hồng ngoại để bám bắt mục tiêu.

Một tổ hợp C-RAM có thể "khạc lửa" tới 4.500 viên đạn mỗi phút, tạo lưới hỏa lực dày đặc để tiêu diệt mục tiêu đang bay đến.

Pháo Vulan 20 mm của C-RAM đạt tầm bắn tối đa 3,5 km, đủ sức bảo vệ khu vực rộng 1,3 km2 quanh trận địa, có thể vận hành hoàn toàn tự động hoặc theo lệnh từ kíp điều khiển.

Hệ thống này có thể bắn đạn cháy vạch đường nổ mạnh có khả năng tự hủy (HEIT-SD) nhằm hạn chế nguy cơ gây thiệt hại ngoài ý muốn dưới mặt đất.

Ngoài đặt cố định, C-RAM còn có thể đặt trên các xe tải quân sự để tăng khả năng cơ động.

Thực tế, C-RAM là hệ thống vũ khí hiệu quả nhất tính tới thời điểm hiện tại để bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại các điểm nóng.

Tại Afghanistan, C-RAM đã không ít lần khai hỏa để đánh chặn các đòn tập kích từ lực lượng Taliban.

Còn tại thủ đô Badda, Iraq, C-RAM đã chứng minh hiệu quả cao trước các đòn tập kích bằng pháo phản lực từ các lực lượng hồi giáo cực đoan.

Các binh sĩ Mỹ tự hào rằng kể từ khi được trang bị hệ thống C-RAM, không một binh sĩ nào ở đây phải chết hay bị thương do các cuộc tấn công bằng pháo phản lực của lực lượng phiến quân nữa.

Hệ thống C-RAM đầu tiên được triển khai ở Iraq vào năm 2006 để bảo vệ Vùng Xanh, và nó đã bắn phá hủy khoảng 80% số đạn pháo được bắn ra từ phiến quân.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-my-dot-hang-chuc-trieu-usd-khi-tu-pha-huy-he-thong-phong-khong-o-kabul-post478459.antd