Mỹ dồn quân quyết khuất phục Nga?

Mỹ không ngừng thúc đẩy những nỗ lực quân sự và ngoại giao nhằm cô lập Nga, buộc Nga phải phục tùng.

Mỹ dồn quân ra uy

Trang wsws.org mới đây có bài viết cho rằng Mỹ, với vai trò đầu tàu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không ngừng thúc đẩy những nỗ lực quân sự và ngoại giao nhằm cô lập Nga, buộc Nga phải phục tùng.

Sau khi Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw tan rã năm 1991, NATO đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Đông Âu, tiếp đó mở rộng ảnh hưởng đến khu vực biên giới Nga sau sự kiện Maidan Ukraine 2014.

Hiện nay, Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các cuộc tập trận với nhiều quy mô khác nhau, trong đó lôi kéo các quốc gia nằm sát biên giới Nga tham gia. Kể từ tháng 3/2021, NATO đã huy động hơn 28.000 binh sĩ từ 26 quốc gia đồng minh để tham gia cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ châu Âu" (Defender Europe 2021).

Cuộc tập trận “Người bảo vệ châu Âu" 2021 (Defender Europe 2021) có quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

Cuộc tập trận “Người bảo vệ châu Âu" 2021 (Defender Europe 2021) có quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh

Theo Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi, mục tiêu của cuộc tập trận là “trau dồi năng lực của Mỹ và các đối tác quan trọng khi hoạt động ở khu vực Balkan và Biển Đen có ý nghĩa quan trọng chiến lược”, tức là ngay trước cửa ngõ của Nga. Các cuộc diễn tập sẽ kéo dài đến tháng 6.

Cuộc tập trận quân "Người bảo vệ châu Âu" 2020 đã thử nghiệm khả năng tập trung vũ khí hạng nặng ở các nước giáp biên giới phía bắc của Nga, thông qua Đức, Ba Lan và các nước Baltic.

Năm nay, cuộc tập trận "Người bảo vệ châu Âu" 2021 sẽ tiếp cận Nga từ phía Nam và Biển Đen, nhằm kiểm tra "khả năng hiệp đồng tác chiến" giữa các lực lượng vũ trang NATO, đồng thời kiểm chứng năng lực của hạ tầng giao thông phục vụ sự di chuyển của quân đội và các vũ khí hạng nặng.

Theo quân đội Mỹ, cuộc tập trận năm nay “thể hiện khả năng của Mỹ là một đối tác an ninh chiến lược ở phía Tây Balkan và khu vực Biển Đen, đồng thời duy trì khả năng của Mỹ ở Bắc Âu, Caucasus, Ukraine và châu Phi". Đáng chú ý là 2 quốc gia ngoài NATO gồm Ukraine và Gruzia cũng tham gia cuộc tập trận.

Trang wsws.org đánh giá sự tham gia của Ukraine và Gruzia vào cuộc tập trận lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc mang tính chất “hết sức gây hấn”. Cả hai nước này đều từng đụng độ với Nga và được NATO lên tiếng ủng hộ. Ukraine là sau cuộc đảo chính năm 2014 còn Gruzia là cuộc chiến chớp nhoáng năm 2008.

Mỹ khai hỏa pháo phản lực phóng loạt tại khu vực sát biên giới Nga

Trong những ngày tới, NATO sẽ diễn tập bắn đạn thật với hệ thống pháo phản lực phóng loạt tại Trung tâm Huấn luyện Tapa ở Estonia, cách cảng biển Baltic và thành phố St.Petersburg lớn thứ hai của Nga chỉ 200 km.

Ở mặt phía nam, NATO tập trận hải quân tại thành phố Alexandroupoli của Hy Lạp, động thái được cho là nhằm hướng tới mục tiêu cản trở Nga tiếp cận Địa Trung Hải.

Ở khu vực Biển Đen, NATO diễn tập các hoạt động trên không vào ban đêm ở Romania và Bulgaria, xuyên qua Biển Đen bắt đầu từ căn cứ hải quân của Nga tại thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Nga phá thế gọng kìm

Ngoài cuộc tập trận "Người bảo vệ châu Âu" 2021, Mỹ và NATO thời gian qua tăng cường tần suất các hoạt động quân sự khác.

Từ tháng 3/2021, phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B có thể mang theo vũ khí hạt nhân, xuất phát từ căn cứ không quân Orland ở Na Uy, do tiêm kích của Đức và Italy hộ tống, đã thực hiện những nhiệm vụ diễn tập tại các nước Baltic, dọc biên giới với Nga.

Đồng thời, tiêm kích của Pháp và Tây Ban Nha xuất phát từ căn cứ không quân ven biển Romania tại Constanta đã mô phỏng các cuộc tấn công vào tàu chiến ở Biển Đen.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu khẳng định các khu vực Baltic và Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược đối với liên minh. Người phát ngôn Lungescu tuyên bố cuộc diễn tập nhằm "ngăn chặn sự xâm lược, ngăn chặn xung đột và giữ gìn hòa bình".

Mỹ lý luận dùng cỗ máy chiến tranh để bảo vệ...hòa bình

Tháng 5/2020, Tướng về hưu Ben Hodges của Mỹ công bố một tài liệu chiến lược, trình bày những kế hoạch của NATO nhằm giành thế chủ động ở khu vực Baltic và Biển Đen. Tài liệu giải thích cách thức mà NATO có thể giành ưu thế chiến lược ở Biển Đen bằng cách áp đặt chiến lược "chống tiếp cận từ ngoài biển” đối với Nga, nhằm mục đích “kiểm soát biển”.

Tài liệu này được công bố sau khi chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ kế hoạch "giành lại" Crimea từ Nga, bao gồm căn cứ hải quân quan trọng chiến lược Sevastopol trên Biển Đen. Căn cứ này không chỉ giúp Nga tiếp cận Địa Trung Hải mà còn là trụ sở chính của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm "giành lại" Crimea bằng vũ lực sẽ nhất thiết liên quan đến việc tấn công các lực lượng vũ trang Nga, cũng đồng nghĩa một cuộc chiến với Nga sẽ xảy ra.

Trong khi "Người bảo vệ châu Âu" 2021 đang diễn ra ở mặt trận phía Tây của Nga, thì Mỹ cũng tổ chức các cuộc tập trận tương tự ở biên giới phía Đông của Nga. Tham gia cuộc tập trận "Người bảo vệ Thái Bình Dương" do Mỹ tổ chức có các lực lượng hải quân, không quân và Thủy quân Lục chiến của Mỹ cùng với Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản và Kông quân Hoàng gia Australia.

Tháng 1/2021, Quân đội Mỹ đã tuyên bố thành lập một “Lực lượng đặc nhiệm đa địa hình ở Bắc Cực”, giúp tăng cường vòng vây của Mỹ đối với Nga ở phía Bắc của Moscow. Năm 2021 đã chứng kiến sự hồi sinh của nhóm “Bộ Tứ", một liên minh bán quân sự bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ, đặc biệt nhắm vào Trung Quốc song cũng đồng thời nhắm vào Nga.

Tháng 3/2021, Mỹ chính thức yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép 2 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Bosporus đến Biển Đen. Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov khi đó đã tuyên bố: “Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng, tốt hơn hết là nên tránh xa Crimea và khu vực ven Biển Đen. Điều này sẽ tốt cho chính Mỹ”.

Washington sau đó cho dừng kế hoạch triển khai tàu chiến. Ngày 16/4, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đưa tin cuộc diễn tập phối hợp giữa lực lượng hải quân và không quân Nga sẽ đóng cửa khu vực Biển Đen xung quanh Crimea cho đến tháng 10.

Nga phát đi thông điệp không ngồi im chịu trận

Ở mặt phía nam, hồi cuối tháng 4, Văn phòng báo chí Quân khu miền Nam của Nga cho biết một lực lượng tấn công gồm các tàu chiến và tàu hỗ trợ thuộc Hạm đội Caspi của Hải quân Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chiến thuật tiêu diệt các mục tiêu của một kẻ thù giả định.

Thông cáo nêu rõ: “Trong quá trình diễn tập chiến thuật, lực lượng tấn công thuộc Hạm đội Caspi do tàu tên lửa Dagestan dẫn đầu đã thực hiện thành công các bài tập pháo kích và sử dụng hỏa lực phòng không tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên không ở Biển Caspi. Tổng cộng có khoảng 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ đã tham gia cuộc tập trận này”.

Thủy thủ đoàn của tàu tên lửa Dagestan đã thực hiện khoa mục phóng tên lửa điện tử nhằm vào các tàu chiến của kẻ thù giả định. Các tàu hộ tống tên lửa Veliky Ustyug, Grad Sviyazhsk và Uglich đã tiến hành bắn đạn thật, sử dụng pháo A-190 Universal và các hệ thống pháo phòng không AK-630 Duet, nhằm vào một nhóm tàu chiến giả định của kẻ thù cũng như các mục tiêu trên mặt đất.

Trang wsws.org đánh giá các cường quốc trong NATO đang đóng vai trò là động lực thúc đẩy "cơn thủy triều chiến tranh" dâng cao, khi nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ quyền bá chủ thế giới đang suy yếu của mình đã tạo tiền đề cho một cuộc xung đột chưa từng có trong lịch sử.

Trang này cảnh báo một cuộc chiến tranh thế giới dựa trên công nghệ quân sự hiện đại sẽ đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-don-quan-quyet-khuat-phuc-nga-3432265/