Mỹ đòi START mới, Nga nêu ba điều kiện hóc búa

Mỹ không gia hạn START-3 và đòi ký hiệp ước mới, Nga nêu ba điều kiện khó cho Mỹ về ABM, PGS và CTBT.

Mỹ muốn hiệp ước START mới

Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược có tên chính thức là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty - START-3) được ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 2011.

START-3 hiện là hiệp ước duy nhất tồn tại giữa Nga và Mỹ về hạn chế vũ khí. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và tiếp tục về sau, tổng số lượng vũ khí của mỗi nước sẽ không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm, tên lửa hành trình trên máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị mang phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.

Thỏa thuận cũng bắt buộc Nga và Mỹ phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện mang phóng 2 lần mỗi năm.

Theo quy định trong hiệp ước, ngày 5 tháng 2 năm 2018 là hạn chót mà Nga và Hoa Kỳ cần đạt được những chỉ tiêu kiểm soát theo quy định của START-3 nhưng Washington đã phớt lờ điều này và không có thiện chí trong việc đàm phán gia hạn START-3.

Hiệp ước này sẽ hết thời hạn hiệu lực vào đầu năm 2021, Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán để gia hạn START-3 nhưng Hoa Kỳ hiện vẫn chưa xác định liệu họ có ý định gia hạn hay không.

Nga và Mỹ đang bế tắc trong việc gia hạn Hiệp ước START-3

Nga và Mỹ đang bế tắc trong việc gia hạn Hiệp ước START-3

Trước đó, Lầu Năm Góc công bố số liệu cho rằng, hiện nay Nga có đến 2 nghìn đơn vị vũ khi hạt nhân phi chiến lược.

Washington tuyên bố thỏa thuận với Nga cần bao gồm cả những vũ khí và phương tiện mang phóng mới được chế tạo tại Nga mà chưa đưa vào START-3, ví dụ như như tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Burevestnik hay ngư lôi động cơ hạt nhân Poseidon.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng hiệp ước cũ đã lỗi thời và không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ông cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Bắc Kinh đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng này, còn Moscow cho rằng, nếu Washington cố lôi kéo Trung Quốc vào START mới thì Mỹ cũng phải đưa cả Anh, Pháp vào trong khuôn khổ của Hiệp ước mới.

Moscow tuyên bố luôn sẵn sàng thảo luận việc xác định những loại vũ khí mới của mình để đưa vào hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) tiếp theo, nhưng khi đó Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác cũng phải làm như vậy và không phát triển loại vũ khí tương tự.

Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào START-3, Nga đòi đưa thêm Anh, Pháp

Điều kiện của Nga để thảo luận gia hạn START

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo Rossiyskaya Gazeta rằng, người Mỹ quan tâm đến những loại vũ khí mới của Nga và Moscow cũng có thể đưa một phần những vũ khí mới ấy, ít nhất là Avangard và Sarmat, vào các tiêu chí của hiệp ước.

"Mọi thứ khác dù không thuộc phạm vi hạn chế trong hiệp ước START-3 năm 2010, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng bàn luận về chủ đề này. Tuy nhiên, phải bàn luận trong bối cảnh những tình huống, mà trên thực tế ngay từ ban đầu đã đòi hỏi phải tạo ra những vũ khí như vậy” - Bộ trưởng nói thêm.

Ông giải thích rằng, những bối cảnh đó trước hết liên quan đến việc hiệp ước về phòng thủ tên lửa (Hiệp ước ABM) bị Hoa Kỳ phá vỡ vào năm 2002 hay việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty - INF).

Nga cho rằng, giờ đây, bất kỳ những vấn đề nào liên quan đến các loại vũ khí mới cũng nhất thiết phải được thảo luận trong phạm vi tất cả những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược.

Vấn đề thứ hai theo ông là bên cạnh phòng thủ tên lửa, ở đây cần phải có thêm khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu” (Prompt Global Strike – PGS), một chiến lược mới đang trên đà phát triển của Mỹ, cho phép Lầu Năm Góc sử dụng vũ khí chiến lược phi hạt nhân.

Nga tuyên bố sẵn sàng đưa cả Avangard và Sarmat vào START-3

Ngoài ra, vấn đề thứ ba cũng cần được thảo luận là việc Mỹ chính thức từ chối tham gia Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (Comprehensive Nuclear Test Ban Treaty - CTBT) và các kế hoạch triển khai vũ khí trên khoảng không vũ trụ”, ông Lavrov nói.

Ngoài ra, theo nhà ngoại giao Nga, những vấn đề cần bàn bạc ở đây bao gồm cả những vấn đề của Mỹ lẫn những vấn đề của các đồng minh của Hoa Kỳ trong khối NATO.

“Nhân đây nói thêm rằng, công bố điều này không chỉ có người Mỹ, mà còn có cả người Pháp. Họ thực hiện việc này một cách khá vòng vèo, nhưng chúng tôi đang cố gắng thông qua đối thoại để tìm hiểu học thuyết không gian mới của Pháp thực chất là gì... Ở đó có rất nhiều thứ đang diễn ra”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Ông khẳng định một lần nữa là Nga sẵn sàng thảo luận về vũ khí mới của mình, nhưng các quốc gia khác cũng phải làm như vậy; hơn nữa, hai bên sẽ làm điều đó trong điều kiện có tính đến tổng thể tất cả những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược.

Nếu như Mỹ và đồng minh đề nghị Nga đưa vũ khí của mình vào diện hạn chế của hiệp ước START mới, trong khi chính họ lại phát triển không giới hạn tất cả những thứ vũ khí nguy hiểm, thì dĩ nhiên những đòi hỏi vô lý như vậy sẽ chẳng dẫn mọi việc đi tới đâu.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-doi-start-moi-nga-neu-ba-dieu-kien-hoc-bua-3396665/