Mỹ đối mặt với thời điểm bạo lực nhất trong nhiều năm

Bạo lực súng đạn và các vấn đề liên quan đang trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách tại Mỹ.

Các vụ xả súng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt. Trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực vũ trang xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, đe dọa cuộc sống của người dân, theo Washington Post.

Năm 2020 từng lập kỷ lục về số nạn nhân các vụ bạo lực súng đạn trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, năm 2021 được dự báo là một năm còn đáng lo ngại hơn.

 Một cửa hàng bán súng ở Mỹ. Ảnh: AP.

Một cửa hàng bán súng ở Mỹ. Ảnh: AP.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, những vụ bạo lực súng đạn đã cướp đi sinh mạng hơn 8.100 người ở Mỹ, tương đương 54 người thiệt mạng mỗi ngày.

Theo tổ chức Gun Violence Archive, số liệu trung bình này đã vượt qua cùng kỳ năm ngoái, và tăng 14 người so với số liệu của 6 năm trước.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng gia tăng bạo lực bắt nguồn từ nhiều vấn đề mới nổi nhưng lại mang tính chất lâu dài, bao gồm bất bình đẳng xã hội, sở hữu súng tăng cao, và mối quan hệ căng thẳng giữa cảnh sát và các cộng đồng thiểu số.

Những vấn đề nêu trên đều trở nên nghiêm trọng trong bối đại dịch Covid-19 và phong trào đấu tranh chủng tộc lan rộng. Giờ đây, bạo lực súng đạn và các vấn đề liên quan trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách.

Bạo lực gia tăng

Các trường hợp tử vong do súng đạn bắt đầu tăng vào tháng 4 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát. Lúc này, nước Mỹ phải đóng cửa trên diện rộng, khiến hơn 20 triệu người dân mất việc làm và thu nhập.

Giáo sư Shani Buggs từ Đại học California, Davis, nhận xét: “Đại dịch đã làm trầm trọng thêm mọi sự bất bình đẳng ở đất nước này”.

Trong năm 2020, một số thành phố lớn của Mỹ ghi nhận số vụ giết người cao kỷ lục, tăng đến 30% so với năm 2019. Năm nay, những số liệu đáng buồn này tiếp tục tăng.

Tại thủ đô Washington, trong năm 2020, các vụ bạo lực súng đạn vẫn gia tăng, bất chấp việc triển khai sáng kiến phòng chống tội phạm vào mùa hè. Trong 5 tháng đầu, khu vực này ghi nhận 79 nạn nhân, tăng 23% so với năm ngoái.

Tại thành phố Miami, cảnh sát trưởng Art Acevedo cảnh báo trên truyền hình: “Nếu chúng ta không lên tiếng và yêu cầu các quan chức hành động, chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều cuộc đổ máu hơn nữa”.

Một tuần sau, Miami tiếp tục ghi nhận một vụ xả súng trong một buổi tiệc mừng lễ tốt nghiệp, khiến 3 người chết và 5 người khác bị thương.

Người Mỹ biểu tình chống bạo lực súng đạn. Ảnh: AP.

Tình trạng xả súng cũng gia tăng ở nhiều thành phố lớn, từ Los Angeles đến Chicago hay Colombus. Tại Philadelphia, giới chức dự kiến năm 2021 là năm chết chóc nhất trong lịch sử. Thị trưởng Philadelphia thậm chí phải họp giao ban hàng ngày để cập nhật về tình hình bạo lực súng đạn.

Đại dịch bị lãng quên

Theo các nhà nghiên cứu, một trong những yếu tố thúc đẩy bạo lực là xu hướng sở hữu súng gia tăng. Điều này thể hiện rõ ở doanh số bán súng tăng vọt trong năm 2020, khi người dân mua 23 triệu khẩu súng, tương đương mức tăng 66% so với doanh số của năm 2019.

Thông thường, doanh số bán súng chỉ tăng vọt khi bầu cử hoặc các vụ xả súng hàng loạt diễn ra. Trong năm 2020, số liệu này tăng cao trong thời gian người dân ở nhà chống dịch, và khi phong trào chống phân biệt chủng tộc lan rộng trên khắp nước Mỹ.

Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng số lượng súng được sở hữu tỷ lệ thuận với nguy cơ thiệt mạng trong các vụ bạo lực. Giáo sư Shani Buggs nhận định việc sở hữu súng là một yếu tố “rất khó để loại bỏ” trong tình hình này.

Bên cạnh đó, người sử dụng súng cũng không được đào tạo bài bản trong các khóa học an toàn, do đại dịch làm gián đoạn mọi hoạt động. Bà Cassandra Crifasi từ Trung tâm Chính sách và Phòng chống Bạo lực súng của Đại học Johns Hopkins nhận xét đây là mối liên hệ đáng lo ngại.

“Nhiều người mua súng do lo sợ đại dịch, lo sợ tình trạng bất ổn xã hội liên quan đến vụ việc của George Floyd. Giờ đây, họ đang làm gì với những khẩu súng ấy?”, bà Crifasi bình luận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: Reuters.

Theo thống kê của Cơ quan Lưu trữ, số vụ tai nạn liên quan đến súng đạn tăng 40% trong khoảng từ năm 2019 đến năm 2020. Đáng chú ý, số vụ có nạn nhân là trẻ em tăng đến 45%, bắt nguồn từ việc người lớn cất giữ súng không đúng cách.

Ngoài ra, các vụ tự tử, bạo lực gia đình bằng súng cũng tăng trong thời gian này.

Bà Crifasi bình luận 14 tháng qua là “một cơn bão”, cho thấy tác hại của việc sử dụng súng ồ ạt. Julius Thibodeaux, quản lý chiến lược cho tổ chức Advance Peace Sacramento, gọi bạo lực súng đạn là “đại dịch bị lãng quên”.

Nỗ lực ban đầu

“Suốt nhiều thập kỷ, bạo lực súng đạn đã tác động đến cộng đồng người da màu”, bà Crifasi nói. “Song chỉ đến khi các vụ xả súng ảnh hưởng đến người da trắng, công chúng mới thực sự chú ý đến vấn đề này”.

Giới chức ngày càng quan tâm đến bạo lực súng đạn trong cộng đồng.

Theo Kế hoạch Việc làm do Tổng thống Joe Biden thúc đẩy, chính phủ sẽ dành 5 tỷ USD trong 8 năm để tài trợ cho các chương trình phòng chống bạo lực súng đạn. Dù vậy, việc phê duyệt kế hoạch này đang bị đình trệ tại Thượng viện.

Theo Giáo sư Buggs, gói cứu trợ Covid-19 mới nhất cũng cho phép chính quyền địa phương sử dụng nguồn tiền liên bang để ngăn chặn bạo lực súng đạn. Điều này có thể mang đến tác động sâu rộng.

“Chính phủ liên bang chưa từng đầu tư, can thiệp hay ngăn chặn bạo lực trong cộng đồng theo cách này”, bà Buggs nhận xét.

Khoản cứu trợ có thể giải quyết nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần do bạo lực gây ra, bao gồm điều trị lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương cho nạn nhân.

Tại thủ đô Washington, giới chức mới triển khai một chương trình nhằm phân phối tiền tài trợ cho những nhóm thúc đẩy an ninh trong cộng đồng.

Ở California, Thống đốc Gavin Newsom công bố một khoản đầu tư “lớn nhất từ trước đến nay”, nhằm can thiệp và ngăn chặn bạo lực. Khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD trong vòng 3 năm.

Chuyên gia Thibodeaux nhận xét đây là những bước khởi đầu. “Chúng ta không cầu nguyện và ném một đồng xu rồi mong mọi chuyện biến mất. Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn thế”, ông nói.

Mỹ Uyên

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-1-trieu-lieu-vaccine-phong-chong-covid-19-post1226568.html