Mỹ đổ quân vào Ba Lan, lập tiền đồn chống Nga

Warsaw và Washington mới ký thỏa thuận hợp tác quân sự, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Ba Lan, với mục đích rõ ràng là chống Nga.

Mỹ-Ba Lan chính thức ký thỏa thuận hợp tác quân sự

Washington và Warsaw đã ký thỏa thuận về hợp tác quân sự. Tham dự lễ ký kết về phía Mỹ là Ngoại trưởng Mike Pompeo, về phía Ba Lan là Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak. Văn kiện này là sự nối tiếp tuyên bố chung mà Tổng thống Andrzej Duda và Tổng thống Donald Trump đã ký năm ngoái tại Washington.

Khi ký văn bản, Tổng thống Andrzej Duda nói rằng hợp tác quân sự giữa Ba Lan và Mỹ "có nghĩa là tăng cường an ninh cho phần châu Âu của khối NATO", đặc biệt là đối với các nước Baltic và Ukraine.

Đặc biệt, văn kiện nói về gia tăng số lượng quân nhân Mỹ ở Ba Lan thêm 1000 người, cũng như chuyển Bộ chỉ huy Quân đoàn 5 của Lực lượng Lục quân Mỹ sang nước này, đưa tổng số quân Mỹ hiện diện ở Ba Lan lên con số 5500 người.

Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper tuyên bố rút gần 12 000 quân Mỹ khỏi Đức, phần lớn (6400 người) sẽ về nước, số còn lại sẽ được tái triển khai cho các nước NATO ở châu Âu, trong đó có Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper tuyên bố, việc rút nhóm quân Mỹ khỏi nước Đức nằm trong chiến lược kiềm chế Nga. Theo đó, NATO sẽ chuyển thêm quân về phía đông, gần với biên giới Nga hơn để kiềm chế Moscow. Bước đi này đã được tất cả các đồng minh trong khối tán đồng.

Ngoài các động thái điều chỉnh lực lượng, trong 5 năm qua Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã liên tục cấp kinh phí cho động thái kiềm chế quân sự đối với Nga, đặc biệt là sự gia tăng hiện diện của các quân nhân Mỹ ở Đông Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng, quyết định của Mỹ bố trí điều chuyển một phần lực lượng đồn trú của mình từ Đức sang các nước khác là để nhấn mạnh cam kết của họ đối với an ninh ở châu Âu.

NATO đang chuyển dịch cơ cấu triển khai binh lực ở châu Âu

NATO đang chuyển dịch cơ cấu triển khai binh lực ở châu Âu

Ba Lan tăng cường mua vũ khí Mỹ

Hồi năm ngoái, Ba Lan đã đồng ý triển khai trên lãnh thổ nước mình một phi đội máy bay trinh sát-tấn công không người lái “Tử thần” MQ-9 Reaper của Mỹ.

Theo quân đội Ba Lan, việc Không lực Hoa Kỳ triển khai một phi đội MQ-9 chuyên trinh sát, theo dõi ở Ba Lan nhằm mục đích khi cần sẽ trao đổi thông tin thu được từ hoạt động của phi đội này để hiện thực hóa các mục tiêu phòng thủ của khối NATO.

Ngoài ra, Ba Lan đã đề nghị Mỹ bán 35 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của hãng Lockheed Martin là F-35 Lightning II, nhằm thay thế hết các phi đội máy bay chiến đấu cũ kiểu Liên Xô. Trước đó, nước này cũng đã mua các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến Patriot 3 (PAC3).

Hợp đồng bao gồm 2 giai đoạn, trong giai đoạn 1, Ba Lan sẽ được nhận 16 bệ phóng, 4 trạm radar và 208 tên lửa PAC-3 MSE và các thành tố của hệ thống điều khiển và liên lạc IBCS; trong giai đoạn hai, Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan các loại radar mới tiên tiến nhất, cũng như các tên lửa và bệ phóng bổ sung.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai ở Ba Lan các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis Ashore. Giới quan chức quân sự Nga tố cáo đây là đòn đánh nhằm vào Nga, bởi các bệ phóng Mk41 có thể sử dụng để phóng cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.

Đáp trả các đồng nghiệp Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Macherevich tuyên bố rằng, giới chức lãnh đạo Điện Kremlin cần tự hiểu rằng, Mỹ và các đồng minh hiểu được vai trò quan trọng của Warszawa đối với NATO, nước này chính là “ổ khóa Nga” của châu Âu.

Ba Lan có kích thước lãnh thổ lớn, với toàn bộ dân số, với trình độ quốc phòng và sự sẵn sàng của lực lượng quân đội sẽ là yếu tố quyết định rằng, liệu NATO có trụ được trước đòn tấn công tiềm năng của Nga hay không - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ba Lan nhận xét.

Binh lính và xe tăng Pháp ở vùng Drawsko Pomorskie, bắc Ba Lan ngày 28/4/2016

Ba Lan thành tiền đồn chống Nga

Bình luận về những bước đi này, Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov tuyên bố rằng, Ba Lan đang bị biến thành bàn đạp quân sự của Mỹ để chống Nga.

Theo ông, giới lãnh đạo nước này đang khôn khéo trở thành người lĩnh “Ấn tiên phong” trong mặt trận chống Nga do Mỹ lãnh đạo. Là người đồng cảm với Mỹ trong “Cơn cuồng loạn chống Nga” nên Warsaw sẵn sàng thực hiện tất cả những già mà Mỹ yêu cầu.

“Ba Lan đang bị biến thành trụ đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Âu, tất nhiên là để chống lại Nga. Giới tinh hoa của Ba Lan luôn bị ám ảnh bởi các tư tưởng chống Nga chắc chắn đang hân hoan. Tôi không ngạc nhiên nếu tiếp sau các binh sĩ người ta cũng sẽ điều chuyển cả bom nguyên tử Mỹ từ Đức sang Ba Lan” - ông Pushkov viết trên kênh Telegram của mình.

Theo ông, một kịch bản như vậy có thể phá hoại an ninh của Ba Lan, đất nước lâu nay chẳng bị ai đe dọa. Bởi Nga chắc chắn sẽ có những động thái đáp trả tương xứng với hành động của NATO.

Liên quan đến việc Ba Lan và Hoa Kỳ mở rộng hợp tác quân sự, giới lãnh đạo Moscow tuyên bố rằng, quân đội nước này đang phân tích kỹ thông tin để tránh các nguy cơ đe dọa đối với an ninh của Nga từ hướng Tây. Lực lượng của Mỹ-NATO ở Ba Lan có thể trở thành mũi dao sắc thọc vào sườn Nga.

Moscow nhận thấy dấu hiệu chuẩn bị cho việc triển khai quy mô lớn tiếp theo, vì vậy Nga không thể không tính đến điều này trong kế hoạch phòng thủ của mình và sẽ có những bước đi tương xứng để bảo vệ đất nước.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/my-do-quan-vao-ba-lan-lap-tien-don-chong-nga-3416373/