Mỹ dỗ ngọt châu Âu chống Nga-Trung

Mỹ kêu gọi châu Âu hợp tác để chống lại các mối đe dọa chung, vốn được nhắc tới gồm một Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga hồi sinh.

Đồng minh bất mãn

Tờ Foreign Affairs của Mỹ mới đây có bài phân tích về mục tiêu giành “quyền tự chủ chiến lược” mà châu Âu đang cố đạt được.

Tờ báo Mỹ thừa nhận kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, người châu Âu phải chật vật mới chấp nhận được phong cách và các chính sách mang tính đối đầu của ông. Đó là các chính sách của ông Trump, từ thuế quan đến việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, rồi việc ông gọi EU là “kẻ thù”.

Dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhưng dường như đã thất bại. Trong những tháng gần đây, giọng điệu từ các thủ đô châu Âu đã thay đổi.

Tổng thống Pháp E. Macron nói thẳng tham vọng thành lập quân đội châu Âu để chống lại Nga, Trung Quốc và cả Mỹ

Theo tờ báo Mỹ, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hồi tháng 8 vừa qua đã có một bài xã luận “phi ngoại giao” kêu gọi “một châu Âu có chủ quyền, mạnh mẽ” nhằm đáp trả sự thù địch của Tổng thống Trump.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lặp lại tình cảm này trong bài phát biểu thường niên của mình trước các đại sứ: “Thành thật, tôi không nghĩ rằng Trung Quốc hay Mỹ nghĩ châu Âu là một cường quốc có quyền tự chủ chiến lược có thể so sánh được với họ. Tôi không tin điều đó”.

Theo tờ báo Mỹ, người châu Âu có quyền hoài niệm khi nói đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhưng lại đặt câu hỏi việc suy nghĩ lại quyền tự chủ chiến lược của châu Âu thực sự có ý nghĩa gì đối với một lục địa châu Âu từ lâu đã đi theo sự lãnh đạo của Mỹ?

Foreign Affairs nhấn mạnh Tổng thống Trump không phải là người khởi xuống đưa Mỹ xoay trục rời xa châu Âu. Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến châu Âu ít mang tính trung tâm hơn trong các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, như được thể hiện bằng việc giảm 75% sự hiện diện của binh lính Mỹ tại châu Âu kể từ đó.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng những căng thẳng đang diễn ra trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước và trên hết là về sự mất cân bằng quyền lực. Người Mỹ tức giận vì châu Âu thiếu đầu tư cho quốc phòng và không coi lục địa này là một đồng minh đáng tin cậy. Ngược lại, châu Âu phật ý trước chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và việc Mỹ không quan tâm đến những mối quan ngại của châu Âu.

Với việc Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất, ngày càng sẵn sàng thực hiện những hành động đơn phương, mà châu Âu được cho là sẽ chấp nhận. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Mỹ đã lãnh đạo các cuộc không kích của NATO vào Nam Tư, phớt lờ những sự phản đối của Tổng thống Nga Boris Yeltsin.

Châu Âu được nhắc khéo về hòa bình và chiếc ô của Mỹ

Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phớt lờ các cuộc phản kháng của châu Âu khi ông quyết định không thông qua Nghị định thư Kyoto. Mặc dù Pháp (cùng với Đức) dẫn đầu phe chống lại cuộc chiến tranh Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thậm chí đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của mình, song Washington vẫn tiến hành.

Gần đây nhất, trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiệm kỳ đầu là một sự xoay trục chiến lược sang châu Á, điều tất yếu có nghĩa một động thái rời khỏi châu Âu vốn là điều cốt lõi của lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ.

Lời dỗ ngọt ngào

Chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên” của Trump đang đi theo mô hình của Mỹ rời xa châu Âu. Foreign Affairs thẳng thắn chỉ ra rằng thông qua các chính sách như sử dụng các biện pháp trừng phạt đặc quyền ngoại giao để buộc các doanh nghiệp châu Âu phải khuất phục khi nói đến Iran và Nga, ông Trump đã khiến châu Âu bộc lộ điểm yếu và cả tính đạo đức giả.

Ví dụ như trong vấn đê Syria, vốn gây hậu quả trực tiếp đối với an ninh châu Âu nhiều hơn đối với Mỹ, người châu Âu phần lớn đều đáp trả bằng cách cầu xin Mỹ tham gia.

Xuất phát từ những luận điểm trên, Foreign Affairscho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đối với châu Âu là sự tiếp nối một xu hướng, mà đã bắt đầu khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi không có quan hệ ngoại giao hữu hảo.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-do-ngot-chau-au-chong-nga-trung-3370253/