Mỹ điều tra các công ty công nghệ khổng lồ

Bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố khởi động cuộc điều tra, vốn bị trì hoãn quá lâu, về các 'đại gia' công nghệ. Nhưng những công ty như Google, Amazon và Facebook có nên lo lắng?

Mỹ khởi động cuộc điều tra các “đại gia” công nghệ.

Mỹ khởi động cuộc điều tra các “đại gia” công nghệ.

Việc xét xem các công ty này có cạnh tranh lành mạnh hay không được Washington đưa ra sau quyết định kiểm tra các "gã khổng lồ" công nghệ nghiêm ngặt hơn. Quyết định cũng được đưa ra trong lúc Facebook dự kiến sẽ bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) phạt 5 tỷ USD vì vi phạm quyền riêng tư. Trong khi tại châu Âu, Google đã bị Ủy ban châu Âu phạt hơn 7 tỷ bảng trong ba cuộc điều tra chống độc quyền khác nhau. Giờ đây, Bộ Tư pháp- cơ quan được xem là dễ bị ảnh hưởng về mặt chính trị hơn FTC- đã trở thành áp lực mới nhất tới các công ty, dù bộ này không nêu tên “nền tảng kỹ thuật số” nào đang bị nhắm tới. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ nói rằng đang tìm cách giải quyết “mối quan ngại đang lan rộng” về các phương tiện truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm và dịch vụ bán lẻ trực tuyến và liệu hành động của những công ty này có gây hại cho người tiêu dùng hay không.

Theo Ioannis Kokkoris, Giáo sư luật và kinh tế tại Đại học Queen Mary ở London, Bộ Tư pháp Mỹ có thể lo bị xem là tụt hậu so với các nhà quản lý và nhà lập pháp châu Âu, cũng như FTC. Các cơ quan tương đương ở châu Âu đã theo sát những công ty công nghệ từ lâu, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ “không làm gì cả”. Giáo sư Kokkoris hy vọng Bộ Tư pháp sẽ xét xem liệu các công ty có nắm trong tay quá nhiều dữ liệu không? Nhưng thay vì tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, ông hy vọng Bộ Tư pháp sẽ xem xét liệu những "gã khổng lồ" công nghệ có đang sử dụng thông tin khách hàng đó để kìm hãm sự cạnh tranh hay không. Ông Kokkoris cho rằng Bộ Tư pháp cũng sẽ tìm kiếm những điều khoản triệt tiêu cạnh tranh trong hợp đồng của Amazon với các nhà cung cấp của mình, và lưu ý rằng phạm vi điều tra có thể không chỉ dừng lại ở tổng thể về thị trường mà còn có thể nhắm tới một công ty cụ thể.

Tổng thống Mỹ chắc chắn đang làm các giám đốc công nghệ lo ngại. Mới tuần trước, ông tuyên bố sẽ xem xét các đề xuất của doanh nhân công nghệ Peter Thiel, rằng Google nên bị điều tra vì cáo buộc phản quốc vì các giao dịch tại Trung Quốc. Và ông đã nhiều lần cãi nhau với ông chủ của Amazon, Jeff Bezos, người sở hữu tờ Washington Post, tờ báo đã chỉ trích chính quyền Trump. Giáo sư Kokkoris mô tả nó như là một “sự trùng hợp thú vị” vì cuộc điều tra này được tiến hành khi chính quyền dường như đang khó chịu với các công ty công nghệ. Ông nói rằng Bộ Tư pháp có lẽ đã không thực hiện cuộc điều tra nếu chính quyền không ủng hộ.

Bộ Tư pháp có thể "chẻ nhỏ" các công ty. Có một số người ủng hộ điều này, nhất là người đồng sáng lập của Facebook, Chris Hughes, người từng nói Whatsapp và Instagram, thuộc sở hữu của Facebook, nên được tách thành các công ty riêng biệt. Các nhà lập pháp Mỹ cũng ủng hộ điều này. Đáng chú ý nhất, ứng viên tiềm năng cho vị trí Tổng thống từ đảng Dân chủ, Elizabeth Warren, cho biết bà sẽ cân nhắc việc triệt hạ các "đại gia" công nghệ nếu bà đắc cử.

Tuy nhiên, Giáo sư Kokkoris cho rằng điều đó rất khó xảy ra. Luật cạnh tranh của Mỹ khiến các tòa án rất khó tìm được cơ sở pháp lý để biện minh cho việc chia tách một công ty lớn. Nếu có bằng chứng về hành vi xấu thì một thẩm phán có thể ra yêu cầu như vậy. Nhưng các công ty có thể hứa sẽ khắc phục hành vi xấu và tiếp tục hoạt động.

Đó là những gì Giáo sư Kokkoris cho rằng sẽ xảy ra. Theo ông, Bộ Tư pháp có thể tìm cách thay đổi cách thức hoạt động của ngành này để tăng tính cạnh tranh. Ở giai đoạn hiện nay, nếu là người nắm quyền lãnh đạo một trong những công ty công nghệ lớn, ông Kokkoris sẽ không quá lo lắng, nhưng ông nói rằng điều này có thể thay đổi nếu Bộ Tư pháp quyết định điều tra một công ty cụ thể.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/my-dieu-tra-cac-cong-ty-cong-nghe-khong-lo-108918.html