Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân bí mật 'Sói biển' đối phó với Nga ở Bắc Cực

Hải quân Hoa Kỳ vừa bất ngờ công bố những hình ảnh của tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Seawolf (Sói biển) gần Tromso, Na Uy, động thái được cho là gửi một tín hiệu tới Nga.

Tàu ngầm lợi hại

USS Seawolf Seawolf (SSN 21) được đưa vào hoạt động năm 1997, là tàu ngầm dẫn đầu trong lớp, cùng với 2 chiếc khác là USS Connecticut (SSN 22) và USS Jimmy Carter (SSN 23)

Theo Hải quân Mỹ, các tàu ngầm này đặc biệt yên tĩnh, cơ động, vũ trang tốt và được trang bị các cảm biến tiên tiến; được nói là những chiến binh tinh nhuệ trong tác chiến ngầm, chuyên thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Tàu ngầm được gắn một bộ phận thu tín hiệu đặc biệt vào cột buồm, cho phép phát hiện nhiều loại tín hiệu điện từ như liên lạc radar và vô tuyến. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế để đối phó với tàu ngầm không người lái và thực hiện nhiệm vụ xâm nhập cáp thông tin dưới đáy biển.

Tàu ngầm Mỹ USS Seawolf Seawolf (SSN 21) được công bố xuất hiện tại Tromso, Na Uy. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Tàu ngầm Mỹ USS Seawolf Seawolf (SSN 21) được công bố xuất hiện tại Tromso, Na Uy. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Mặc dù lớp tàu ngầm này không có hệ thống phóng thẳng đứng nhưng nó được trang bị 8 ống phóng với 50 ngư lôi.

Tuy nhiên không chỉ có tàu ngầm, cùng thời điểm, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Thomas Hudner (DDG 116) đã tham gia Chiến dịch Canada NANOOK cùng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, các đồng minh Canada, Pháp và Đan Mạch. Hoạt động được cho để nâng cao năng lực ở Bắc Cực và đáp ứng các yêu cầu được nêu trong chính sách quốc phòng tương ứng của mỗi quốc gia.

Tuyên cáo của Hải quân Mỹ trên trang web của mình, nói, việc hiện diện của Seawolf tại Tromso, Na Uy, là một cuộc dừng chân ngắn cho nhân viên.

Tàu ngầm Seawolf được đánh giá là đặc biệt yên tĩnh, cơ động, vũ trang uy lực. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Chỉ huy lực lượng tàu ngầm Mỹ, Phó Đô đốc Deril Caudle, tiết lộ, Seawolf đến khu vực trách nhiệm của Hạm đội 2 Hoa Kỳ từ căn cứ hải quân Bangor, Washington; đồng thời nhấn mạnh, quá trình di chuyển tàu Seawolf thể hiện sự hiện diện liên tục và bí mật lực lượng dưới đáy biển của Mỹ trên toàn thế giới để thực hiện sứ mệnh đặc biệt với sự sẵn sàng cao.

Chuẩn Đô đốc Anthony Karullo, chỉ huy nhóm tàu ngầm, cho biết, việc tái triển khai tàu USS Seawolf tới Na Uy cho thấy khả năng tác chiến dưới biển cũng như thể hiện cam kết liên tục của lực lượng tàu ngầm Mỹ trong việc cung cấp khả năng răn đe và an ninh hàng hải trong khu vực Bắc Cực.

Gửi tín hiệu đến Nga

Sputnik dẫn đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, cho rằng, Seawolf là những tàu ngầm cực kỳ yên tĩnh, khác biệt với các tàu cùng lớp chính do khả năng tàng hình cao nhất. Đồng thời, chúng mang trên mình vũ khí chống hạm và chống ngầm cực mạnh - ngư lôi, thủy lôi, tên lửa Harpoon hoặc Tomahawk.

Công bố sự hiện diện của Seawolf tại Tromso, Na Uy được cho là một tín hiệu của Mỹ gửi tới Nga. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Việc Seawolf hiện diện ở Tromso, Na Uy, ngay gần các tuyến hoạt động của tàu ngầm Nga mang tên lửa, do vậy, đây chắc chắn là một tín hiệu gửi đến Moskva.

Sputnik lưu ý, Hạm đội hai Hoa Kỳ đã được hồi sinh chỉ vài năm trước đây, nhắm đến kiềm chế Nga ở Bắc Cực, nơi Nga đang có nhiều hoạt động quân sự, cũng là khu vưc tập trung tới 2/3 lực lượng hạt nhân của Hải quân Nga.

"Những gì người Mỹ đang làm có thể được gọi là một cuộc biểu dương", - Thuyền trưởng Hạng I Igor Kurdin, Chủ tịch Câu lạc bộ Tàu ngầm Hải quân St.Petersburg, giải thích trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, - Tromso, Na Uy chưa bao giờ được sử dụng làm căn cứ thường trú cho tàu ngầm hạt nhân. Tại đây có thể tiến hành sửa chữa liên chuyến, hay nơi để thủy thủ đoàn nghỉ ngơi. Theo lẽ thường, Seawolf sẽ đi xa hơn hướng đến khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội phương Bắc của Nga - đến biển Barents".

Theo chuyên gia Nga, với sự xuất hiện của tàu ngầm bí mật, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ Bắc Cực không chỉ được kiểm soát bởi Hải quân Nga. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Cựu Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga Vyacheslav Popov chú ý đến khía cạnh quân sự - chính trị của "cuộc biểu dương" này; cho rằng: “Hoa Kỳ muốn chứng tỏ Bắc Cực không chỉ được kiểm soát bởi Hải quân Nga. Washington dự định biểu dương sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Người Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do thám ở đây. Tuy nhiên, tất nhiên là các thủy thủ Nga sẽ theo dõi mọi chuyển động của họ".

Đáng chú ý là ngay sau sự xuất hiện của "Sói biển", 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân đã tham gia diễn tập cùng với các máy bay chiến đấu Không quân Na Uy.

Hơn nữa, một phi đội máy bay ném bom đã bay vượt qua không phận 30 quốc gia NATO ở châu Âu và Bắc Mỹ cùng một lúc. Sứ mệnh của tập trận “Allied Sky” nhằm thể hiện sự đoàn kết trong NATO, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và hợp tác hoạt động chung.

Cùng với sự xuất hiện của tàu ngầm Seawolf, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Thomas Hudner (DDG 116) của Hải quân Hoa Kỳ đã tham gia Chiến dịch Canada NANOOK cùng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, các đồng minh Canada, Pháp và Đan Mạch. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Các máy bay được chia thành hai đội. Lộ trình của nhóm bốn máy bay đầu tiên qua châu Âu. Phần còn lại bay qua Mỹ và Canada cùng lúc. Hơn nữa, đã diễn ra tương tác giữa các máy bay chiến đấu từ các nước NATO khác nhau và tiếp nhiên liệu trên bầu trời. Theo các chuyên gia Nga, cuộc tập trận không quân quy mô lớn và mang tính trình diễn như vậy cũng có thể coi là một tín hiệu gửi tới Liên bang Nga.

“Ăn miếng trả miếng”!

Tuần trước, các phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây đưa tin về sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Omsk của Nga ở vùng biển trung lập ngoài khơi Alaska, Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng xác nhận, tàu ngầm tuần dương hạt nhân Omsk thường xuyên xuất hiện dưới mặt nước trong khuôn khổ các cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Lá chắm đại dương 2020”.

Tàu ngầm Nga hoạt động dưới lợp băng Bắc Cực. Ảnh: Sputnik.

Và, sau hiện đại hóa, Omsk đã khai hỏa tên lửa chống hạm Granit trong vùng nước biển Bering, ngoài khơi Alaska, vào một mục tiêu thông thường ở khoảng cách hơn 300 km. Trong khi tàu tuần dương Varyag tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 450 km bằng tên lửa Vulcan.

Theo Sputnik, động thái Hải quân Nga đã gửi tín hiệu đến các “đồng nghiệp” nước ngoài.

"Lực lượng vũ trang Liên Bang Nga liên tục bay chặn các máy bay NATO gần biên giới không phận. Đó là những hoạt động bình thường, các bạn hãy xem: thời gian gần đây có rất nhiều máy bay của họ (Mỹ, NATO) bay qua Baltic và biển Đen. Chúng tôi cho thấy rằng Nga cũng không ngủ quên, chúng tôi hiện diện đang ở nơi chúng tôi muốn", cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga Viktor Kravchenko nói.

Hải quân Nga tập trận tại Bắc Cực. Ảnh: BQP Nga.

Cuộc tập trận “Lá chắn Đại dương” của Hải quân Nga diễn ra ở vùng biển từ biển Baltic đến Thái Bình Dương. Hàng chục tàu chiến, tàu ngầm, không quân hải quân và lực lượng phòng thủ ven biển đã tham gia. Mọi chuyện bắt đầu ở Baltic, nơi các thủy thủ thực hiện các hoạt động phòng thủ chống tàu ngầm, phòng không, các con tàu đã phóng ngư lôi và khai hỏa pháo binh.

Nga cũng đang thực hiện giai đoạn tiếp theo cuộc tập trận trong Hạm đội Thái Bình Dương với sự tham gia của hơn 50 tàu chiến, khoảng 40 máy bay và trực thăng, để thực hiện hàng chục nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/my-dieu-tau-ngam-hat-nhan-bi-mat-soi-bien-doi-pho-voi-nga-o-bac-cuc-93908.html